Tính từ thời điểm đầu năm 2020 cho đến nay, sau gần 3 năm, cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng về cơn đại dịch viêm đường hô hấp gây nên bởi vi-rút Corona (Covid19). Các nguyên nhân gây ra đại dịch vẫn còn nhiều ẩn số chưa được giải đáp. Cho dù nó đến từ bất kỳ nguyên do nào đi nữa, như là: thiên tai, nhân tai... thì có một điều chắc chắn loài người sẽ ngày càng chịu nhiều tai ương, dịch bệnh với mức độ phổ biến và trầm trọng hơn trước. Đó là một thực tế!
1. Tác động của đại dịch Covid - 19 - những ghi nhận ban đầu
Đại dịch Covid - 19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 11-2019, sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn cầu và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, với gần 30 triệu người lây nhiễm và hơn một triệu người tử vong. Hiện nay, nhân loại vẫn còn chưa hiểu tường tận hết về đại dịch Covid 19 này. Tuy nhiên, có thể khái quát một số đặc điểm của đại dịch này như sau:
- Chưa rõ nguồn gốc của virut Covid -19; xuất hiện những biến thể mới.
- Chưa xác định được đầy đủ con đường lây lan.
- Chưa xác định được đầy đủ cơ chế gây bệnh.
- Chưa có vacxin và thuốc đặc hiệu để phòng ngừa và chữa trị.
- Tốc độ lây lan rất nhanh; lây cả khi chưa phát bệnh.
- Giải pháp phòng chống cơ bản là phát hiện, khoanh vùng và cách ly; cùng với các phương pháp điều trị triệu chứng, hỗ trợ thể lực…
- Về một số phương diện, thế giới đang diễn ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đó là: về giải pháp ứng phó phòng chống dịch Covid - 19; về vacxin và thuốc chữa trị; về trang thiết bị phòng chống dịch như máy thở, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các trang thiết bị liên quan; về hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, về hệ thống cơ sở và nguồn lực chữa trị; về năng lực dự báo và phối hợp hoạt động phòng chống dịch của hệ thống y tế thế giới, về số người bị lây nhiễm và số người tử vong cao. Lần đầu tiên trên thế giới, các bác sỹ tại nhiều nước phải thực hiện một sự lựa chọn rất khó khăn, “cay đắng”, trái với lương y và sẽ phải mang theo sự day dứt cả đời, đó là phải lựa chọn ưu tiên cứu ai trong đại dịch này…Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa" (31/7/2020). Thực tế, trên bình diện quốc tế, đại dịch chưa qua đỉnh, đang bùng phát lại ở nhiều nước và diễn biến rất phức tạp.
Trên toàn thế giới, sau “cú sốc choáng váng”. Ban đầu, các nước đã áp dụng một loại giải pháp “phi y tế” đề ngăn chặn sự lây lan dịch giữa các nước, các vùng, khu vực, đơn vị, gia đình, người với người trong thời gian không ngắn (như đóng của biên giới, thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội, dừng các hình thức giao thông công cộng, các hoạt động kinh tế, xã hội công cộng, tập trung đông người…). Theo như một số thống kê, trên thế giới đã có hơn 2,3 tỷ người bị phong tỏa, cách ly. Các giải pháp “phi y tế này” đã có tác dụng quan trọng để ngăn chặn lây lan, kiểm soát dịch, từng bước khống chế và dập dịch. Tuy nhiên, mặt khác chính các giải pháp này đã có những tác động “tiêu cực” rất mạnh đối với hoạt động bình thường và sự phát triển các mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên toàn cầu cũng như trong từng nước. Vì vậy, để tránh rơi vào khủng hoảng và suy thoái sâu sắc hơn, các nước buộc phải tìm các giải pháp sớm “mở cửa trở lại” nền kinh tế. Nhưng trong khi các giải pháp y tế phòng chống dịch chưa đủ mạnh và hiệu quả, các giải pháp “phi y tế” bị yếu đi, bị nới lỏng do mở cửa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, đã làm cho dịch bùng phát trở lại (như ở nhiều nước), buộc các nước phải “siết” chặt lại các giải pháp ngăn cách xã hội. Tổ chức Y tế thế giới dự báo tình hình dịch Covid - 19 có thể còn diễn ra trong mấy thập kỷ nữa. Tình huống “lưỡng nan” này chưa từng xảy ra trên bình diện quốc tế trước đây.
2. Đặc điểm tác động của đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid - 19 lan ra và tác động trên toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực, có những đặc điểm khác với những tác động của các đại dịch bệnh trước đây. Có thể nêu khái quát các đặc điểm sau :
1) Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, tác động tới tất cả các lĩnh vực. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới bị cuốn vào đại dịch, với một nửa nhân loại bị liên quan.
2) Đại dịch Covid - 19 đax kéo theo sự “tam trùng” của ba cuộc khủng hoảng liên đới với nhau, đó là: cuộc khủng hoảng về y tế, cuộc khủng hoảng - suy thoái về kinh tế, và cuộc khủng hoảng về xã hội. Cuộc khủng hoảng về y tế, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, buộc các quốc gia phải thực hiện các các giải pháp khẩn cấp cách ly xã hội trên diện rộng và giữa các quốc gia, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như trong mỗi quốc gia, làn cho hệ thống sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa “bị đột ngột dừng lại”- tác nhân chủ yếu gây nên khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Nền sản xuất và lưu thông bị dừng lại, đình đốn đã kéo theo một loạt những vấn đề xã hội: tình trạng mất việc làm của hàng chục triệu lao động trong hầu hết các lĩnh vực ở mỗi nước, thu nhập bị giảm sút hoặc không còn thu nhập; an sinh xã hội đứng trước thách thức rất lớn; các lĩnh vực xã hội khác cũng rơi vào đình đốn, trì trệ; mâu thuẫn, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội tăng lên.
3) Đại dịch Covid - 19 tác động lên toàn cầu, nhưng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại đa số là những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý (đều nằm trong top 10), kế đó là Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ và Braxil... Các nước này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP toàn cầu, đồng thời cũng là những nước chiếm thị phần và chi phối các chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều nhất. Vì vậy tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19 tại các nước này, nhất là Trung Quốc, có sự “lan tỏa” lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới, sự suy giảm của các nước này sẽ lan truyền tới chuỗi cung ứng ở hầu hết các quốc gia, “khi những nền kinh tế này hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh” (ví dụ về sự phụ thuộc của thế giới vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc ở biểu đồ sau).
4) Tính chất tác động khác biệt của đại dịch Covid - 19
- Không phải bắt đầu từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ, hay bất động sản như các cuộc khủng hoảng trước đây. Cuộc khủng hoảng - suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra lại bắt nguồn từ các giải pháp phòng chống dịch “phi y tế”, như đóng cửa biên giới, phong tỏa xã hội, cách ly xã hội, giãn cách xã hội; ngừng các hoạt động giao thông công cộng, du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống…Chính các giải pháp bắt buộc đó đã “bóp nghẹt” nền kinh tế, sẽ “giết chết” nền kinh tế thế giới, nếu không không chế được dịch và dịch còn kéo dài.
- Sự tác động “liên hoàn” của các giải pháp phòng chống đại dịch Covid - 19 : Các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự lan tỏa đại dịch Covid - 19 có tác động đa chiều và mang tính liên hoàn tới rất nhiều lĩnh vực; phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, mà còn tác động liên hoàn đến các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội, giáo dục, văn hóa…, đến mỗi gia đình.
- Nền sản xuất và thương mại toàn cầu cũng như trong từng nước, các chuỗi cung ứng bị suy giảm mạnh, bị đứt gẫy, bị dừng đột ngột, tác động mạnh tới tất cả các nước, kể cả những nước ít chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid - 19, nhưng có độ mở của nền kinh tế lớn.
- Các giải pháp phòng chống đại dịch Covid - 19 đã làm gián đoạn, suy giảm, thay đổi cả cung, cầu, quan hệ cung - cầu trên thế giới và trong từng nước; tác động trở lại đối với nền sản xuất xã hội trong tất cả các lĩnh vực, gây nên sự suy thoái nghiêm trọng và rộng lớn trên toàn cầu (có lẽ trong thời gian qua, chỉ có sản xuất khẩu trang, máy thở, nước sát khuẩn, trang thiết bị và bảo hộ y tế là lên ngôi). Có nghĩa là các giải pháp phòng chống dịch phải được “đánh đổi” bằng sự suy giảm phát triển kinh tế, lợi ích kinh tế ở mức độ cấn thiết.
- Sự đình trệ sản xuất và thương mại làm cho tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh (từ các tập đoàn đa quốc gia, các công ty xuyên quốc gia, các doanh nghiệp nội địa, đến kinh tế tư nhân, cá thể, hộ gia đình..) đều bị thu hẹp sản xuất kinh doanh, đình chỉ, đóng cửa, hoặc phá sản vì thua lỗ nghiêm trọng.
- Hàng trăm triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm hoặc không có thu nhập, bị rơi vào tình trạng không được đảm bảo tốt về an sinh xã hội, nghèo đói, cùng cực. Xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
- Tác động của đại dịch Covid cũng thúc đẩy quá trình “số hóa” mọi hoạt động
xã hội: phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, làm việc qua mạng, xây dựng chính phủ điện tử, hội nghị trực tuyến, quán lý dịch bệnh và khám bệnh qua mạng, giáo dục qua mạng, quan hệ văn hóa - xã hội qua mạng…
5). Về kinh tế : Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại giai đoạn trước 2020, dịch bệnh xuất hiện đầu năm 2020 tạo nên một sự cộng hưởng các yếu tố dẫn đến những biến động sâu rộng trên nền kinh tế toàn cầu, kể cả thị trường hàng hóa, dịch vụ và tài chính toàn cầu; tác động tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Hai yếu tố này tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, quan hệ cung - cầu, giảm nhu cầu, dẫn đến sản xuất đình trệ, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp.
Tác động ban đầu của đại dịch bộc lộ rõ nhất qua việc giảm và đình chỉ hoạt động của một số ngành dịch vụ quan trọng như giao thông (hàng không, hàng hải, giao thông công cộng…), du lịch, giải trí… Nhưng rất nhanh sau đó, với tác động của các biên pháp phong tỏa, các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, rối loạn kéo theo sự thuyên giảm mạnh cả ở phía “cầu” lẫn phía “cung”, cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Một đặc điểm đáng lưu ý là các tác động tiêu cực mang tính chất liên hoàn giữa lĩnh vực này kéo theo lĩnh vực kia; giữa khâu này kéo theo khâu kia trong cùng một chuỗi sản xuất kinh doanh; từ nền kinh tế nước này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp sang nền kinh tế nước khác. Sự tác động của đại dịch Covid với các giải pháp cách ly xã hội dài ngày không những chỉ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, mà còn làm thay đổi nhu cầu - cấu trúc tiêu dùng xã hội và tâm lý tiêu dùng về mọi mặt. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh trong thời Covid, mà sẽ còn tạo ra xu hướng mới “hậu Covid”.
Tổng hợp các tác động đó đưa đến sự khủng hoảng - suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm; dự báo đưa ra vào tháng 3/2020 cho rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái ở quy mô chưa từng thấy : Tăng trưởng kinh tế của Mỹ ước đoán sẽ ở mức -5,9%, còn Nhật Bản là -5,2%, Đức sẽ là -7%, Pháp là -7,2%, Italy là -9,1%, Tây Ban Nha -8%, và Nga là -5,5%, Brazil -5,3%, còn Mexico sẽ là -6,6%; kinh tế của tất cả các nước đang phát triển và thị trường mới nổi được dự báo cũng sẽ sẽ rơi vào suy thoái và hệ lụy còn lớn hơn nhiều so với các nước phát triển. Nhưng các chỉ số thống kê thực tế kinh tế quý 2-2020 công bố ngày 31-7 cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế đã ghi nhận tại nhiều nước trầm trọng hơn dự báo nhiều : kinh tế Pháp trong quý 2 đã giảm 13,8%, Tây Ban Nha giảm 18,5% trong khi Bồ Đào Nha và Ý lần lượt giảm 14,1% và 12,4%, Anh giảm tới 20%. Về tổng thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khối eurozone giảm 12,1% trong khi toàn liên minh châu Âu giảm 11,9%. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất, GDP quý 2 cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự suy giảm phát triển kinh tế tồi tệ nhất từng ghi nhận ở Mỹ.
Sự tác động của đại dịch Covid - 19 đã cộng hưởng với sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đưa đến tình trạng sau : i) - Đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ giảm khoảng hơn 40%; đầu tư vào các quốc gia đang phát triển định hướng xuất khẩu sẽ giảm từ 2.000 - 3.000 tỷ USD trong 2 năm tới; ii) - Tình trạng rút các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc (Chính phủ Nhật đã đưa ra gói 2,5 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp rút ra khỏi Trung Quốc, còn Mỹ đã tuyên bố thực hiện các chinh sách thúc đẩy các doanh nghiệp rút ra khỏi Trung Quốc…); iii) - Nhân cơ hội suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản, một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã đẩy mạnh quá trình “thâu tóm” (mua và sát nhập) các doanh nghiệp của các nước sở tại, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp chiến lược. Cả EU, Ấn Độ, và nhiều nước khác đang rất cảnh giác với xu thế này và đã ban hành các chính sách để ngăn chặn quá trình này, thậm chí cấm bán, sáp nhập doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài trong một số lĩnh vực chiến lược. Đồng thời, để “giải cứu” các doanh nghiệp, các nước đã đưa ra các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD.
6) Về các lĩnh vực xã hội : Đại dịch Covid - 19 đã tác động rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực xã hội theo hai con đường trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu, với gần 20 triệu người bị lây nhiễm và hơn 700.000 người bị tử vong (đến ngày 10/8/2020), làm đảo lộn hệ thống y tế dự phòng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng của các nước, hệ thống khám và chữa bệnh quá tải, không đáp ứng yêu cầu. Cả xã hội phải gồng mình lên để đối phó với đại dịch, gây nên tâm lý hoảng loạn, lo âu, kỳ thị trong xã hội. Tác động gián tiếp cũng rất nghiêm trọng, sự đình đốn sản xuất kinh doanh do Covid - 19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản doang nghiệp ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, việc làm. Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp năm 2019 đang là 188 triệu, đồng thời hàng triệu người lao động khác rơi vào tình trạng thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Sự tác động sẽ rất nghiêm trọng đối với các nước kém phát triển, nhóm lao động trong các khu vực phi chính thức, tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là “tấm đệm” giúp làm nhẹ bớt tác động tiêu cực của những thay đổi đột ngột trên thị trường lao động, thì lần này vai trò đó bị yếu đi đáng kể do những hạn chế cách ly xã hội, di chuyển lao động và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Các nước đều đưa ra các gói hỗ trợ an sinh xã hội lớn chưa từng có, hàng trăm tỷ USD, hỗ trợ cho hàng chục triệu lao động và người dân, nhưng mức độ đáp ứng cũng còn rất hạn chế.
Đại dịch Covid - 19 cũng đã tác động mạnh tới các lĩnh vực xã hội khác, như văn hóa, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng cũng bị đình trệ, xáo trộn. Tác động của đại dịch Covid - 19 đã làm nảy sinh các xu hướng khác nhau trong tâm lý xã hội : kỳ thị, vị kỷ, coi thường, bất chấp, chủ nghĩa cá nhân, trục lợi, kinh doanh vô đạo đức, làm bộc lộ những bất cập của những giá trị hiên tồn (như những sinh hoạt văn hóa, xã hội chạy theo hình thức, mang nặng tính hành chính quan liêu, hoặc quá thiên về lợi ích kinh tế…). Mặt khác, làm nảy sinh những giá trị mới, tích cực (như các phong trào chia sẻ cộng đồng, nhất là đối với những gia đình, những người khó khăn, yếu thế…), dần nổi lên cao hơn là ý thức cá nhân gắn với ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau chung tay chống dịch, trên bình diện quốc tế cũng như trong từng nước. Có thể nói, sự đồng thuận xã hội của người dân trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp đúng đắn của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid - 19.
Các nghiên cứu gần đây liên quan tới sức khỏe tinh thần cũng đang là một phát hiện mới. Theo đó, đại dịch Covid 19 được xem là một thiên tai dịch hại đầu tiên không những gây ảnh tới sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và tính cách của con người.
7) Về lĩnh vực môi trường : Tác động của đại dịch Covid - 19 đã làm bộc lộ rõ hơn những vấn đề môi trường, như vấn đề ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện - lây lan dịch bệnh, nhất là các lọai bệnh dịch mới ngày càng nguy hiểm hơn; vấn đề các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế đã không chú trọng đến bảo vệ môi trường; không những thế còn tàn phá thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái; vấn đề sản xuất và tiêu dùng không bền vững, không hài hòa với thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (bằng chứng là trong thời gian đại dịch xẩy ra, với các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế giao thông…môi trường không khí trên toàn cầu và ở mỗi quốc gia đã trong lành hơn rất nhiều lần).
8) Tác động đến quan hệ quốc tế : Những vấn đề phức tạp, căng thẳng trong quan hế quốc tế, khu vực và giữa một số nước trước đại dịch, đã bị đại dịch làm sâu sắc thêm, đẩy lên một cấp độ mới. Một mặt, do tính chất tác động toàn cầu của đại dịch, buộc các nước phải cộng tác với nhau trong việc ngăn chặn lây lan đại dịch, nhất là thông qua các thể chế quốc tế, đa phương; vai trò của Liên hợp quốc, tổ chức y tế thế gới, WHO, WB, IMF, G20, EU, ASEAN…tăng lên. Nhưng mặt khác, làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn giữa các nước, như về đánh giá vai trò của WHO, về điều tra nguồn gốc và nguyên nhân lây lan đại dịch từ Vũ Hán (Trung Quốc); vấn đề đại dịch Covid còn bị “chính trị hóa”, lợi dụng mưu cầu lợi ích riêng của một số nước trong quan hệ quốc tế và giữa một số nước. Đại dịch Covid đã tác động tiêu cực đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước và đối tác trên thế giới, nhất là giữa các nước lớn. Lợi dụng tác động của đại dịch, một số nước lớn đẩy mạnh hơn gây sức ép trong cạnh tranh chiến lược (đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ, ngoại giao “khẩu trang”, ngoại giao “ghi sổ nợ”, “thâu tóm” các doanh nghiệp chiến lược ở nước ngoài, tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, cạnh tranh địa chiến lược, liên kết thành các liên minh để tạo ảnh hưởng và sức ép với các “đối tác” không cùng chí hướng…). Vai trò của Mỹ bị suy giảm; trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ tăng lên, dường như Trung Quốc đang tìm cách xích lại gần hơn với các đổi tác lớn ở châu Á như Nhật bản và Hàn Quốc và một số nước khác. Mặt khác, nhiều nước trên thế giới lại có xu hướng đề cao sự thận trọng, cảnh giác hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, thu được lợi hay hại ở mức nào trong quan hệ quốc tế không chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn và mong muốn của mỗi nước, mà còn phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh quốc tế, vào năng lực thích ứng của mỗi nước.
Cũng do các giải pháp “cách ly” trên toàn cầu, nên quan hệ giữa các nước và hoạt động của các thể chế quốc tế và khu vực bị gặp nhiều trở ngại, nếu diễn ra phải tổ chức “trực tuyến” qua mạng, hiệu quả có mặt hạn chế, việc đạt được sự đồng thuận và phối hợp hành động khó khăn hơn. Trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn còn tác động mạnh và rộng lớn trên toàn cầu, quan hệ quốc tế vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp và trạnh thái “hậu Covid” vẫn chưa được hình rõ nét.
9) Tác động đến vai trò của Nhà nước: Do tính chất và phạm vi tác động của đại dịch Covid - 19, vai trò của Nhà nước được đặt vào vị thế mới cả trên quan hệ quốc tế cũng như trong từng nước. Trên bình diện quốc tế, đang diễn ra quá trình mang tính hai mặt : một mặt, chính phủ các nước phải tìm các giải pháp phối hợp với nhau để ngăn chặn lây lan và phòng chống dịch; mặt khác, chính phủ các nước buộc thực hiện các giải pháp và chính sách để bảo vệ lợi ích của đất nước mình (như đóng cửa biên giới…) có thể không phù hợp với lợi ích của các đối tác, làm nảy sinh các mâu thuẫn. Nhưng tại các nước đều nổi lên vai trò quan trọng của chính phủ về hai phương diện: năng lực quản lý khủng hoảng do đại dịch gây ra, và năng lực hoạch định và thực thi các chính sách phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch còn tác động kéo dài. Đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là đối với những nước nghèo, tiềm lực kinh tế và y tế có hạn. Quan niệm về vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội đã và sẽ có thay đổi lớn trong phòng chống đại dịch Covid - 19 và trong “trạng thái bình thường mới” hậu Covid.
10) Vòng xoáy suy thoái kinh tế chưa có lối thoát hiệu quả : Kinh tế thế giới đang rơi và suy thoái nghiêm trọng. Muốn thoát ra khỏi suy thoái thì cả nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của từng nước đứng trước áp lực phải mở cửa trở lại; nhưng mở cửa trở lại nền kinh tế, các nước lại phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid - 19, lại phải “đóng cửa trở lại” ở những mức độ khác nhau, như thực tế đang diễn ra ở không ít nước. Đây là một “vòng xoáy” nghiệt ngã mà các nước chưa tìm được lối ra thực sự có hiệu quả. Việc thích ứng có hiệu quả với “trạng thái bình thường mới” khi đại dịch còn kéo dài là vấn đề lớn, mang tính tổng hợp, cả trên bình diện quốc tế cũng như trong mỗi quốc gia. Tác động của đại dịch Covid buộc các nước phải dành nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách để thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp; điều này sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư phát triển giai đoạn “hậu Covid”.
3. Lời kêu gọi sau đại dịch Covid-19
Từ những thông tin sơ bộ và những tổng kết ban đầu như trên đã gợi mở cho chúng ta một cách nhìn nghiêm túc vì sự tồn vong của hành tinh và sự sống của thế hệ thế mai sau. Nào chúng ta hãy cùng nhau hô to khẩu hiệu: "Để giữ gìn một hành tinh XANH - Môi trường sống/thực phẩm SẠCH & Quy trở về với THIÊN NHIÊN"!
4. Các hành động thiết thực
(Còn nữa)
Nguồn: các thông tin liên quan tới đại dịch Covid 19 tổng hợp từ các nguồn internet
QNQ.vn
Băng keo tháp ghép cây - co giãn, tự dính, chống nước mưa & tự hủy
Được canh tác trong một vùng đất phù sa cù lao bằng phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không phân thuốc hóa học và gần như ...
Nội dung sách có 09 chương: giới thiệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ, nguồn gốc và phân bố; giống; đặc điểm ra hoa, phát triển trái; dinh ...
Không chỉ là loại chậu trồng đơn giản, tiện lợi (lắp ráp) mà tháp trồng rau hữu cơ còn là giải pháp 3 trong 1 - vừa là hệ thống xử lý giác ...
Dư lượng thuốc BVTV (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh hại dùng trong nông nghiệp) là một trong những vấn đề nhức nhối và ...
Đối với các loại hoa trồng trong chậu tết thì thời gian sinh trưởng chỉ kéo dài hơn 2 tháng. Do đó, lượng dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ngay ...