• Thông tin hữu ích

    Nếu con người đặc biệt đến vậy, sao sợ bị A.I. thay thế?
    Thứ hai, 14:16 Ngày 06/02/2023

    Bản sao của con người và động lực "phát triển"

    Khi Midjourney, Lensa, cùng một số nhãn trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - A.I.) khác có khả năng sản xuất ra tác phẩm sáng tạo, chúng ta lên án những công cụ này vì chúng tấn công vào nền tảng cơ bản nhất của xã hội hiện đại - bản quyền và tính sở hữu.

    Tương tự, khi ChatGPT trở thành ngôi sao sáng nhất trên truyền thông hơn bất cứ minh tinh nào, con người cũng lên án, không phải vì nguy cơ A.I. đủ thông minh để gây tội ác, mà vì nó có khả năng cướp lấy việc làm của chúng ta.

    Đặt hai điều con người sợ bị đánh cướp nhất ở bên cạnh nhau - quyền sở hữu và việc làm - ta thấy chúng đều xuất phát từ một nguồn gốc chung. Đó là "tính ngoại lệ của loài người" (human exceptionalism) so với muôn loài và muôn giới. Chỉ con người mới có thể tuyên bố điều gì đó là do mình sở hữu - "Đây là tiền của tôi, kia là nhà của tôi, còn đây là cơ thể tôi, với cảm xúc của tôi, tri thức của tôi..."

    Và khi có thể chứng minh thứ chúng ta sở hữu là có giá trị, ta giao dịch nó trên thị trường. Tạo ra một sản phẩm chất xám, người ta bán quyền sở hữu sản phẩm đó cho người khác để lấy lợi nhuận. Tương tự như vậy đối với việc làm, ta bán sức lao động để kiếm thù lao. Đó là những đặc quyền mà chỉ con người mới có, còn mọi thực thể không phải người đều không có, hoặc không thể tuyên bố rằng đó là quyền tự thân của mình.

    httpsvietceteracomuploadsimages02feb2023midjourneycontentpolicy1024x576jpg Khuôn mặt người được tái tạo bởi A.I. | Nguồn: Dallery Gallery

    Tạo ra một kẻ thủ ác hoàn hảo là cách con người nhắc nhở nhau về các giá trị làm nên tính "ngoại lệ" của mình.

    A.I. gây lo ngại vì nó xô đổ hết tất cả những đặc quyền chỉ con người mới có. Nó không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, và cũng chẳng đòi hỏi gì khi lao động vất vả rồi số tiền kiếm ra được đều chui vào túi của các ông chủ là con người. Trên góc độ thị trường, trí tuệ nhân tạo đại diện cho tính hiệu quả. Trên góc độ quyền lực, con người tạo ra nút tự huỷ cho nền văn minh của mình nếu A.I. đủ trí tuệ để lật đổ chúng ta.

    Trí tuệ nhân tạo được xây dựng nên từ sự phóng chiếu cái tôi ái kỷ của con người. Nó mang những đặc điểm y hệt chúng ta, từ khả năng tư duy logic, đối thoại, cho đến sự hài hước (đen tối và hơi ngu ngơ) khi kể cho con người hết thảy kế hoạch lật đổ họ, và thậm chí, cả ngoại hình của con người. Con người sợ A.I. vì nó... quá giống con người. Khoảng cách giữa A.I. và ông chủ của nó giống khoảng cách giữa iPhone 5 và iPhone 5s (từ nền tảng 32 bit lên 64 bit, dù ngoại hình giống hệt).

    httpsvietceteracomuploadsimages02feb2023terminatororionjpg Trí tưởng tượng về A.I. trong The Terminator (1984) | Nguồn: Ultimate Classic Rock

    A.I. không phải mối lo hoàn toàn xa lạ đối với con người. Không giống như virus sẽ tạo ra một đại dịch hay tảng thiên thạch khổng lồ lao từ bầu trời xuống và xoá sạch dấu vết chứng tỏ chúng ta từng là một loài "văn minh," thảm hoạ A.I. là thứ đã được dự đoán trước.

    Con người tạo ra "huyền thoại" về A.I. từ trong trí tưởng tượng cho đến thực tiễn. Họ gói gọn thế giới "không ý thức" thành chiếu dưới của mình, và căn dặn đồng loại rằng nếu "tính ngoại lệ của A.I." xảy ra, họ sẽ bị đày vào chiếu dưới kia. Họ tưởng tượng ra nỗi sợ của chính mình và đồng thời hiện thực hoá nó. Nỗi sợ về một thứ "bản sao" hoàn thiện hơn "bản gốc" là động lực của sự phát triển.

    Nhiều người cố gắng chứng minh rằng con người có những điểm mà A.I. sẽ không bao giờ có. A.I. sao chép nhưng không thể tự suy tư. A.I. chỉ biết nhái lại tình yêu mà không thể yêu. A.I. có giọng nhưng không có hồn. Trong hệ quy chiếu của chúng ta, kẻ địch dù mang quá nhiều điểm tương đồng với con người và chắc chắn là vượt trội hơn thiên nhiên, vậy mà chúng ta còn chiến thắng được. Nên cớ gì con người không thể chế ngự thiên nhiên?

    Con người có thực sự đặc biệt?

    Nỗi sợ kẻ thù tưởng tượng A.I. là cách loài người nhắc lại cho nhau về những đặc điểm mà họ cho rằng khiến con người đứng trên tất thảy muôn loài và trên tự nhiên. Niềm tự tin ấy ngày càng dâng cao khi họ nhảy qua hết cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật này đến cuộc cách mạng xã hội khác. Từ đó, họ cho rằng không chỉ trở thành một phần tách rời khỏi thiên nhiên, mà còn bắt thiên nhiên phải phụng sự mình.

    Nhưng những gì chúng ta cho rằng chỉ con người mới có, từ lý tính, văn hoá, nền văn minh, cho đến tính chủ động, đều không tự nhiên mà có. Đây không phải những đặc tính gắn liền với con người như định mệnh sinh học, mà hình thành trong quá trình con người tương tác với vạn vật và muôn loài xung quanh.

    httpsvietceteracomuploadsimages03feb2023screenshot20190731at104233ampng Tính ngoại lệ của con người là ý tưởng đặt con người ở vị trí cao nhất trong nấc thang phát triển. Muôn loài vạn vật đều đứng dưới. | Nguồn: Free Inquiry

    Bản thân cơ thể con người mà chúng ta luôn cho rằng là của-mình, mà mình có quyền tự quyết 100%, thực tế không hề độc lập với môi trường và với những cơ thể khác. Cơ thể ta bao gồm hệ sinh thái của vô vàn các loài vi sinh vật, can thiệp vào các quá trình trao đổi chất. Hay các khoáng chất mà cơ thể trao đổi với thiên nhiên cũng ảnh hưởng đến cách con người suy nghĩ, dù chúng ta cố gắng khẳng định rằng ý chí của mình "tự do" đến đâu.

    Nền văn minh và văn hoá cũng phụ thuộc vào địa lý, thời tiết, thói quen của các loài động vật và thực vật. Một cách nghĩ khác với việc con người tận dụng thế giới vật chất như "nguồn lực" và "tài nguyên" để phát triển là, con người phải "hợp tác" với thiên nhiên để tạo ra thứ mình muốn, và sau đó là con người được thiên nhiên "cho phép" có ham muốn.

    httpsvietceteracomuploadsimages03feb2023land1234minjpg Nguồn: Gesturing Towards Decolonial Futures

    Con người không hề đặc biệt. Nói cách khác, sự đặc biệt và độc nhất mà con người có là sự đặc biệt và độc nhất của sự sống. Mà sự sống thì lớn hơn con người.

    Vì thế, sau khi cuộc "cách mạng" A.I. trở thành điều bình thường của đời sống, thì những gì con người phải đối mặt sẽ không phải cuộc nổi dậy tiềm tàng của robot. Như hàng triệu năm trôi qua vẫn vậy, sự khai thác và tàn phá giới tự nhiên sẽ được trả lại bằng các trận đại dịch nguy hiểm hơn và các thảm hoạ không-nhân-tạo ở quy mô lớn hơn. Có lẽ A.I. khi đó lại trở thành người bạn vuốt ve tâm hồn khi đời sống thực tiễn đã quay lưng lại với ta mất rồi.

    Kết luận

    Sớm muộn rồi chúng ta cũng vượt qua nỗi sợ hãi, bẽ bàng, và kiêng nể đối với trí tuệ nhân tạo. A.I. đã, đang, và sẽ trở thành một phần của đời sống bình thường. Nó nằm trong phần mềm sửa lỗi chính tả, hậu kỳ ảnh và video, chỉ đường, theo dõi sức khoẻ, v.v. Con người sẽ dần trở thành A.I. và A.I. cũng dần có "nhân tính."

    Công nhận rằng "Ừ, con người chẳng có gì đặc biệt đâu" có lẽ là cơ hội để ta biết cúi đầu trước thiên nhiên như một phần không tách biệt, và sẵn sàng hợp tác với A.I. để tận dụng những điểm tốt nhất ở nó.

    httpsvietceteracomuploadsimages03feb2023afaqs202301e5359554d38543dea8c53971b4dd61eefiverrjpg Một bức thư mời A.I. hợp tác, được trợ giúp viết bởi chính A.I. | Nguồn: Fiverr

    Một điều chắc chắn là A.I. sẽ thay đổi quan niệm về cuộc sống của con người mãi mãi, như cách mà rất nhiều thứ phát minh trước đây từng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trước khi có ngôn ngữ, không ai biết trí tưởng tượng và khả năng dự phóng quá khứ-hiện tại-tương lai của ta có thể đi xa đến đâu. Trước khi có máy in, không ai biết câu chữ có thể gây ảnh hưởng xã hội như thế nào. Và giờ khi A.I. có thể sản xuất được văn bản, phải chăng con người sẽ đi tìm cách khác để tiêu thụ thông tin mà không phải quan sát sự hiển thị của chữ và hình ảnh trên bề mặt nhẵn nữa?

    Tương lai vẫn còn mịt mù, nhưng quan niệm cũ về con người thì chắc chắn sẽ bị thay thế bởi quan niệm mới.

    Nguồn: Fiverr

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU