• Thông tin hữu ích

    Xây dựng hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ
    Thứ tư, 15:06 Ngày 08/06/2022

    Thứ Tư, 26-05-2021, 21:05

    Công nhân thu hoạch các loại rau, quả tại trang trại. Ảnh | CAO HÙNG

    Sản phẩm hữu cơ đang được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030. Đề án đặt ra những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới nhưng thực tế cho thấy việc mở rộng quy mô sản xuất để tăng diện tích và sản lượng ở nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

    Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, làm NNHC suy cho cùng là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế, làm những câu chuyện tử tế. Để thành công sẽ phải xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ; trong đó bao gồm người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông gắn kết, mang tính chất cộng sinh với nhau. Hệ sinh thái đó rộng hơn chuỗi giá trị.

    Khó từ sản xuất đến thị trường

    Là một doanh nghiệp lớn đầu tư từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trực tiếp xuất khẩu, Vinamit đã sớm nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm hữu cơ và có sự đầu tư bài bản từ rất sớm. Nếu như phong trào sản xuất hữu cơ mới phát triển mạnh trên cả nước trong mấy năm trở lại đây, thì ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamit đã đam mê theo đuổi sản xuất hướng hữu cơ từ khi mới thành lập.

    Theo ông Viên, chứng chỉ hữu cơ (organic) không đơn giản chỉ là tờ giấy chứng nhận mà là cả một quá trình tuân thủ nghiêm ngặt với quan điểm chủ đạo vì sức khỏe, vì môi trường. Ngay cả trong khâu chế biến thực phẩm, Vinamit cũng đã đi theo hướng không sử dụng chất bảo quản để bảo đảm cho các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ.

    "Giờ không còn ăn để cho no, cho ngon mà là ăn cho đẹp, trẻ khỏe, sống lâu... Mong muốn đó của người tiêu dùng buộc những doanh nghiệp như Vinamit phải có được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu chính đáng đó", ông Nguyễn Lâm Viên cho hay.

    Nhưng trước khi có được thị trường cho sản phẩm hữu cơ của mình, Vinamit đã trải qua vô vàn khó khăn trong sản xuất, những thiệt hại, thua lỗ trong giai đoạn đầu là khó có thể tránh khỏi. Nhưng doanh nghiệp đã vượt qua và chinh phục người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Đến nay, Vinamit đã đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU).

    Ngoài những nông trại riêng của mình, ông Nguyễn Lâm Viên vẫn tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ ở nhiều địa phương, hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn như vùng trồng chuối ở Cà Mau và Tuyên Quang, vùng trồng mít ở Đăk Lăk, Đăk Nông và Tây Ninh, vùng trồng khoai lang ở Đăk Nông...

    Là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, điều kiện tự nhiên, xã hội giúp Việt Nam sở hữu lợi thế phát triển sản xuất NNHC. Nhiều nông sản mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất như: rau quả, chè, cà-phê, mật ong... đang tăng trưởng ngày càng cao chính là động lực và cơ hội để chúng ta mở rộng sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ngoài diện tích đất đồi núi chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị tác động nhiều của hóa chất, Việt Nam còn có nguồn nguyên liệu lớn, đa dạng từ những phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ.

    Theo Bộ NN&PTNT, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019; hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

    Tuy có đã có được những kết quả khả quan trên nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, sản xuất NNHC Việt Nam còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng vật nuôi cụ thể, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

    Hiện rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình NNHC. Tuy nhiên để hiểu NNHC như thế nào, các tiêu chuẩn ra sao thì họ còn thiếu hụt nhiều kiến thức. Nguyên nhân là bởi trong thời gian dài ngành nông nghiệp chịu áp lực về an ninh lương thực, đòi hỏi một nền nông nghiệp thâm canh cao nhằm tạo ra sản lượng nông sản lớn. Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản hữu cơ trong nước còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng chưa đánh giá đúng những giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất NNHC mang lại.

    PGS, TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì cho rằng, Việt Nam đang thiếu các tổ chức chứng nhận sản phẩm sinh thái, hữu cơ chuyên nghiệp. Ngoài chứng chỉ hữu cơ PGS (Hệ thống bảo đảm có sự cùng tham gia (giữa các hộ nông dân), có hình thức chứng nhận của doanh nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT cấp phép. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất muốn xuất khẩu phải mời doanh nghiệp chứng nhận quốc tế với chi phí cao.

    Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC dù có tiềm năng nhưng chưa phát triển nhanh vì nguồn hàng đạt chuẩn không nhiều. Trong khi lòng tin của người tiêu dùng đối với nông sản hữu cơ chưa cao bởi thị trường có nhiều trào lưu kinh doanh nông sản tự gắn mác hữu cơ một cách tràn lan mà chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, mức sống của hầu hết người dân Việt Nam còn thấp trong khi giá nông sản hữu cơ rất cao so với nông sản thường, nguyên nhân là do chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng năng suất lại thấp.

    Phát triển phải đi cùng với quản lý

    Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 đặt mục tiêu năm 2025, tổng diện tích phát triển NNHC đạt từ 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp và năm 2030 đạt từ 2,5 - 3%. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đây là mục tiêu rất khó, không đơn giản vì sản xuất NNHC không phải trong ngày một, ngày hai là có thể phát triển được. Đặc biệt là phát triển phải đi cùng với quản lý, không để tình trạng sản phẩm hữu cơ tràn lan trên thị trường mà không có chứng nhận.

    Để hiện thực đề án trên, hiện nhiều tỉnh, thành cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển NNHC trên địa bàn. Điển hình, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ đạt 1.600 ha, đàn bò sữa hữu cơ 2.000 con, bò thịt hữu cơ 400 con, gà hữu cơ lấy trứng 20.000 con. 100% diện tích sản xuất trồng trọt, đàn bò sữa, bò thịt, gà chăn nuôi hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và quốc tế. Hơn 90% sản lượng sản phẩm NNHC bảo đảm đầu ra ổn định, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ hoặc tham gia các chuỗi giá trị.

    Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển NNHC kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Trong đó, NNHC là bước đi chủ lực để đưa nông nghiệp phát triển bền vững, toàn diện, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

    Trước những mục tiêu đặt ra của các địa phương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khuyến cáo, các địa phương không phát triển NNHC ồ ạt mà từng bước hướng đến hữu cơ và đạt hữu cơ. Địa phương phải xác định thế mạnh, cây con chủ lực; xác định được diện tích và vị trí để sản xuất hữu cơ, chứ không phải cái gì cũng phát triển hữu cơ.

    Để tạo nền tảng cho phát triển sản xuất NNHC quy mô lớn, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho rằng, điều tất yếu phải có dịch vụ cung cấp vật tư cho NNHC chuyên nghiệp, đủ tầm như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, chế phẩm sinh học... Tuy nhiên bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông sản hữu cơ hiện nay lại chưa có danh mục vật tư đầu vào gây khó khăn, lúng túng cho người sản xuất.

    Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho NNHC phát triển đúng hướng, đạt tiêu chuẩn thì các cơ quan quản lý cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào cũng như công bố các cơ sở, tổ chức chứng nhận đủ năng lực chứng nhận nông sản hữu cơ.

    Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngành sẽ tập huấn để nâng cao trình độ cho cả cán bộ các cấp trong quản lý và người sản xuất, nhất là các tiêu chuẩn NNHC; hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến NNHC và đạt chuẩn NNHC.

    Việc đầu tư NNHC đòi hỏi chi phí rất lớn, không phải nơi nào cũng làm được nên cần phát triển từng bước. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành để quản lý sản phẩm hữu cơ khi ra thị trường từ nhãn mác, chất lượng...; tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức chứng nhận trong nước nâng cao năng lực; hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn, đồng thời định hướng liên kết với các tổ chức chứng nhận quốc tế để nâng cao trình độ, vị thế sản phẩm NNHC Việt Nam.

    NGUYỄN HỒNG

    Nguồn: baonhandan

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU