Việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được coi như chiếc "chìa khóa" mở toang cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU cũng như các nước trên thế giới, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.
Ngày 18/6, tại tỉnh Thái Bình, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết an toàn thực phẩm kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hội nghị nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam về những điểm mới liên quan đến các quy đinh về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường các nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Bên cạnh đó, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu nông sản và thuỷ sản từ Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả EVFTA.
Theo ông Nam, để hạn chế thấp nhất rủi ro bị gia tăng tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu đối với một số nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần cập nhật, tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật; các quy định liên quan của thị trường EU, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm. Vì đây là các quy định bắt buộc áp dụng.
Quan trọng hơn nữa đó là uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu chúng ta tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương, trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
"Việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được coi như chiếc "chìa khóa" mở toang cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU cũng như các nước trên thế giới", ông Nam khẳng định.
Ông Lương Ngọc Quang, chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT) cho biết, khi tham gia công ước bảo vệ thực vật quốc tế, chúng ta phải áp dụng quản lý kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
"EU đặc biệt quan tâm đến nhóm ruồi đục quả trên các sản phẩm rau quả nên phải đàm phán phương án xử lý. Ngoài ra, các sản phẩm trái cây tươi, hạt điều, cà phê... khi xuất khẩu sang EU đều yêu cầu hàng phải có tiêu chuẩn giống hoặc tương đương tiêu chuẩn đang áp dụng ở EU", ông Quang nói.
Bên cạnh tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU cũng phải tuân thủ các quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản.
Ông Hoàng Công Duy, Chuyên viên Văn phòng TBT Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, bao bì xuất khẩu – một yếu tố tưởng chừng đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp để đáp ứng luật pháp châu Âu. Chúng phải phù hợp về trọng lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, ví dụ như làm từ nguyên liệu gỗ hoặc thực vật có thể cần kiểm dịch thực vật. Đồng thời, nhãn sản phẩm đóng gói phải chứa thông tin quan trọng đối với người tiêu dùng.
Sản phẩm đóng gói phải đảm bảo đầy đủ thông tin cho cơ quan hải quan và người tiêu dùng cuối cùng. Hiện tại, sản phẩm đóng gói bán lẻ được phép ghi xuất xứ "ngoài EU". Việc ghi nhãn xuất xứ hiện đang được EC thảo luận và có một đề xuất mới về định nghĩa chính xác hơn về xuất xứ. Đề xuất mới muốn liệt kê rõ ràng quốc gia xuất xứ đối với trái cây và các loại hạt sấy khô hoặc nhiều quốc gia hơn trong trường hợp sản xuất hỗn hợp.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Hà Hải, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế - Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT) cũng đã giới thiệu công nghệ sơ chế, bảo quản một số loại thủy sản xuất khẩu sang EU.
Chiều cùng ngày, các đại biểu cũng đã tham quan dây chuyền sản xuất tương ớt xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm Tân Tiến Đạt tại xã Đại Đồng, huyện Vũ Thư.
Nguồn: danviet
Băng keo tháp ghép cây - co giãn, tự dính, chống nước mưa & tự hủy
Được canh tác trong một vùng đất phù sa cù lao bằng phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không phân thuốc hóa học và gần như ...
Nội dung sách có 09 chương: giới thiệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ, nguồn gốc và phân bố; giống; đặc điểm ra hoa, phát triển trái; dinh ...
Không chỉ là loại chậu trồng đơn giản, tiện lợi (lắp ráp) mà tháp trồng rau hữu cơ còn là giải pháp 3 trong 1 - vừa là hệ thống xử lý giác ...
Dư lượng thuốc BVTV (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh hại dùng trong nông nghiệp) là một trong những vấn đề nhức nhối và ...
Đối với các loại hoa trồng trong chậu tết thì thời gian sinh trưởng chỉ kéo dài hơn 2 tháng. Do đó, lượng dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ngay ...