• Thông tin hữu ích

    Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao
    Thứ hai, 14:34 Ngày 05/02/2024

    Kinhtedothi – Ngày 5/2, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự, chỉ đạo Hội nghị.

    Tầm quan trọng của đề án

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNH Trần Thanh Nam nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân trong vùng.

    Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh Hữu Tuấn)
    Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh Hữu Tuấn)

    Nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được áp dụng góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.

    Trong đó, tiêu biểu là dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) thực hiện từ 2015-2022 do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án VnSAT có khoảng 180.000 ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững; các hộ nông dân tham gia các hợp tác xã (khoảng 400 HTX) thực hiện quy trình canh tác bền vững trong Dự án có lợi nhuận tăng 30%, chi phí sản xuất giảm 30-40%, giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm.

    Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như: chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với HTX, doanh nghiệp; Canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…        

    Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

     

    Phát huy hiệu quả từ đề án

    Đề án triển khai tại 12 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, với diện tích 1 triệu ha. Thực hiện vùng chuyên canh lúa này gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc của Việt Nam.

    Đề án 1 triệu ha lúa kỳ vọng mang lại hiệu quả lớn cho người dân khu vực ĐBSCL. (Ảnh Hữu Tuấn)
    Đề án 1 triệu ha lúa kỳ vọng mang lại hiệu quả lớn cho người dân khu vực ĐBSCL. (Ảnh Hữu Tuấn)

    Mục tiêu đến 2025, Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 héc-ta. Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

    100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích.  Trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng.  Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

    Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

    Đến năm 2030: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

    100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

    Nguồn: baokinhtedothi

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU