• Thông tin hữu ích

    Vào cuộc “giải cứu” nông sản
    Thứ bảy, 09:03 Ngày 05/03/2022

    Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố đã triển khai nhiều phương án nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

    Việc làm này không chỉ giúp nông dân có đầu ra cho sản phẩm trong mùa dịch mà còn giúp người dân trong vùng cách ly, phong tỏa có nguồn thực phẩm tươi dồi dào.

    Nỗ lực tiêu thụ nông sản

    Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hàng trăm tấn nông sản theo mùa vụ tại các địa phương có nguy cơ phải đổ bỏ nếu không được tiêu thụ kịp thời.

    Cụ thể, huyện Định Quán hiện vẫn còn khoảng 200 tấn rau, quả cần tiêu thụ; huyện Vĩnh Cửu kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn cá; huyện Xuân Lộc còn tồn khoảng 20 tấn nhãn; thành phố Long Khánh còn 20 tấn thanh long, nấm bào ngư cần kết nối tiêu thụ…

    Để giúp người dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ giữa tháng 7, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai về các huyện phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Theo đó, Sở đã kết nối với các đơn vị là doanh nghiệp chế biến, đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, siêu thị, các đoàn thể có chương trình phát quà từ thiện, bán hàng bình ổn giá, bán hàng 0 đồng cho người dân.

    Vào cuộc “giải cứu” nông sản
    Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

    Qua thống kê có hơn 120 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhờ hỗ trợ tiêu thụ nông sản với khối lượng trung bình mỗi ngày có thể cung ứng khoảng: 200 tấn rau, củ các loại; 170 tấn trái cây; 65 tấn thịt gà, 120 tấn thịt heo; 45 tấn cá các loại và khoảng 45 nghìn quả trứng gà.

    Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thống kê danh sách cụ thể các địa điểm cần hỗ trợ, cập nhật các thông tin địa chỉ rõ ràng đăng tải trên các cơ quan báo đài và gửi trực tiếp đến các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

    Nhiều loại rau, củ, quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất sạch đã được tiêu thụ tại các điểm bán bình ổn giá, các hệ thống bán lẻ như: Siêu thị Big C, Co.opmart, Bách hóa Xanh, VinMart và các điểm đang bị phong tỏa trên địa bàn tỉnh.

    Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp tiêu thụ, kết nối cho các tổ chức từ thiện tiêu thụ hàng chục tấn thịt gà công nghiệp hiện đang trong tình trạng rớt giá, tồn hàng.

    Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ-Thương mại Bình Lộc, thông qua sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính quyền thành phố Long Khánh, địa phương đã tiêu thụ được hơn 2.000 tấn chôm chôm. Hiện các mặt hàng cần hỗ trợ tiêu thụ là thanh long và nấm bào ngư, đây là các mặt hàng thu hoạch thường xuyên theo chu kỳ nên cần sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp.

    Tăng cường kết nối cung cầu

    Để tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập đường dây nóng phản ánh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu. Sở hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên các web kết nối cung cầu như htx.cooplink.com.vn, SANOCOP,… nhằm giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận, làm quen và sử dụng các sàn thương mại điện tử.

    Ngoài ra, Sở cũng hướng dẫn cho một số công ty, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR); đăng ký “luồng xanh” vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; cung cấp thông tin nhóm hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị kịp thời để thực hiện thủ tục lưu thông vận chuyển nông sản được thuận lợi.

    Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho rằng, thông qua các hình thức hỗ trợ, kết nối, đã có hàng trăm đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại sản xuất các nông sản và thực phẩm được thông tin, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn hàng trăm tấn rau củ, thịt các loại, cá nước ngọt và trái cây cần hỗ trợ liên tục. Do đó, thời gian tới Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”, “Chợ online kết nối nông sản” của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

    Đại diện Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Trường An (huyện Xuân Lộc), cho biết, trung bình mỗi ngày hợp tác xã có thể cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn rau ăn lá, củ các loại. Toàn bộ nông sản của hợp tác xã đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, các ngành chức năng của huyện cũng hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng vẫn còn nhiều. Hợp tác xã mong muốn kết nối được với doanh nghiệp chế biến nông sản, bếp ăn tập thể hoặc siêu thị để có đầu ra ổn định. Các đơn vị sản xuất cũng cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh cần tăng cường kết nối hơn nữa với các đầu mối tiêu thụ, doanh nghiệp chế biến, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

    Bài và ảnh: KIM MINH

    Nguồn: Báo Quandoinhandan

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU