• Thông tin hữu ích

    Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính của nông sản Việt
    Thứ bảy, 13:37 Ngày 05/03/2022

    Từ năm 2022, với Lệnh số 248, 249, Trung Quốc tiếp tục siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản vào nước này.

     

    Bấm để xem Video bản tin của VTV

    Hiện Trung Quốc đang kiểm tra 100% lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào nước này. Đặc biệt bắt đầu từ năm 2022 với Lệnh số 248, 249 của Trung Quốc, nước này tiếp tục siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản.

    Đây là những thông tin vừa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại Diễn đàn thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, hầu hết các diễn giả trong diễn đàn đều cho rằng thị trường Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính.

    Chia sẻ tại diễn đàn, theo đại diện Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), hiện nhiều hoa quả, nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại nước bạn. Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam muốn vào Trung Quốc phải chịu sự kiểm tra 100% các lô hàng, trong khi hoa quả nhập từ Thái Lan con số này chỉ là 30%.

    Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính của nông sản Việt - Ảnh 1.

    Nông sản Việt Nam muốn vào Trung Quốc phải chịu sự kiểm tra 100% các lô hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

    "Tôi hy vọng Bộ NN&PTNT Việt Nam có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để chỉ kiểm tra 30%, đẩy nhanh tốc độ thông quan, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói sản phẩm, giúp quá trình thông thương, buôn bán giữa hai bên thuận lợi", ông Thang Thành Vũ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, nhấn mạnh.

    Theo văn phòng phụ trách về kiểm dịch, 10 tháng qua phía Trung Quốc đưa ra tới 42 thông báo về thay đổi các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật nhập khẩu theo hướng siết chặt hơn.

    "Văn phòng SPS Việt Nam với chức năng là cơ quan đầu mối, minh bạch các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của thành viên WTO. Chúng tôi sẽ đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan quản lý của các bộ ngành, cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tinh thần làm sao thành chuỗi liên kết để chủ động thích ứng với quy định của thị trường", TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT, nhận định.

    Cũng theo Bộ NN&PTNT, những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249 sắp tới tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu.

    Nguồn: VTV

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU