• Thông tin hữu ích

    TRỒNG "TIÊU KHÔNG HẠT", NÔNG DÂN BÁN ĐI NHẬT VỚI GIÁ 22 TRIỆU ĐỒNG/KG
    Thứ sáu, 09:26 Ngày 01/03/2019

    2018 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng với nông sản xuất khẩu khi hồ tiêu Việt Nam đã xuất hiện trên bàn ăn người Nhật. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau đó là một câu chuyện khởi nghiệp hết sức… tình cờ.

    Chuyện về một "tỷ phú hồ tiêu"

    Hơn mười năm trước, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực trồng tạp các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng… Về sau, vùng đất này "trở mình", tạo ra không ít “tỷ phú hồ tiêu” của Việt Nam.

    Câu chuyện về anh Lâm Ngọc Nhâm là ví dụ điển hình về con đường làm giàu bằng cây hồ tiêu – một trong những nông sản có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam.

    Khởi nghiệp là một người làm nông cần cù, anh Nhâm từng thử nghiệm qua rất nhiều loại cây ăn trái và vật nuôi. Tuy nhiên, đến khi tham gia vào phong trào trồng hồ tiêu làm giàu, cuộc sống của anh Nhâm mới sang trang.

    Tiêu không hạt có giá 15 triệu đồng/kg tại Việt Nam, còn tại Nhật Bản có giá lên đến 22 triệu đồng/kg

    Sở hữu 3ha trồng cây ăn trái, anh Nhâm vẫn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tiêu với nhiều cải tiến. May mắn, anh phát hiện được giống tiêu lạ và quyết tâm nhân giống với ý nghĩ “biết đâu loại cây này sẽ làm nên chuyện”.

    “Giống tiêu mới có rễ chính to gấp 7 lần giống thường. Tôi mới thử cắt vài dây tiêu để làm giống. Không ngờ tiêu phát triển tốt, rễ phụ tỏa nhiều. Năng suất cũng cao gấp 2, 3 lần so với giống thường, cứ 10 - 12 tấn/ha”, anh Nhâm kể lại.

    Thời điểm đó, khó khăn lớn nhất chính là mở rộng quy mô sản xuất vì nguồn giống không có sẵn. Anh Nhâm phải trải qua 18 tháng mới nhân giống được. Tới thời điểm 2 năm sau khi giống ổn định, anh Nhâm lại đối mặt với loại bệnh lạ khi nhánh tiêu bị héo và chết mà không rõ nguyên nhân.

    Trải qua hàng loạt thử thách, anh Nhâm vẫn kiên định phát triển giống tiêu đặc biệt và đặt tên là tiêu Bầu Mây. Bản thân anh Nhâm có lẽ cũng không tưởng tượng được tương lai rực rỡ của loại nông sản Bầu Mây thời điểm đó, khi mà đến hiện tại, từng lọ tiêu do chính công ty anh đóng gói xuất hiện trên các kệ hàng tại các siêu thị phương Tây và thậm chí là “lấy lòng” được người dân Nhật Bản – vốn được xem là thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

    Chinh phục thị trường khó tính

    Sau khi nhân giống thành công, anh Nhâm bắt tay vào việc sàng lọc hạt chất lượng. Từng hạt tiêu Bầu Mây tươi xanh sau khi được thu hoạch bởi những người công nhân sẽ lập tức bước vào quy trình chế biến nghiêm ngặt tạo ra sản phẩm tiêu không hạt đặc biệt.

    “Tiêu không hạt được chế biến từ 100% là tiêu Bầu Mây được chăm sóc theo quy trình riêng, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học tự chế từ cua, phôi trứng và sữa”, anh Nhâm chia sẻ.

    Nông dân Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hoạch tiêu xuất đi Nhật với giá 22 triệu đồng/kg

    Ngoài ra, anh Nhâm cũng tiến hành trồng cộng sinh cây ngắn ngày để giữ ẩm cho đất, lại không phải làm cỏ cho vườn, giảm lượng nước tưới, trồng hoa trong vườn hồ tiêu để thu hút thiên địch có lợi cho vườn.

    Quá trình thu hoạch cũng rất khác biệt và chọn lựa rất kỹ. Theo anh Nhâm, phơi tiêu bằng nhà màng hoàn toàn tự nhiên không sử dụng điện hay than củi nên giữ nguyên được chất lượng cao trong sản phẩm.

    Nhờ được đầu tư chỉn chu, tiêu Bầu Mây sau khi xuất hiện trên thị trường đã đem về lợi nhuận cực lớn. 10ha tiêu anh Nhâm sở hữu đang mang lại lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm. Hiện tại, sản phẩm tiêu không hạt có giá 150.000 đồng/10 gram, tương đương 15 triệu đồng/kg. Mức giá này được xem là rất cao so với các loại tiêu thông thường.

    Tháng 12/2017, tiêu Bầu Mây của anh Lâm Ngọc Nhâm là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có hồ tiêu đạt chứng nhận quốc tế GlobalG.A.P là nông sản hữu cơ.

    Chứng nhận này đã mở đường cho tiêu Bầu Mây đến thị trường quốc tế. Năm 2018, tiêu không hạt Bầu Mây chính thức trở thành loại gia vị được người dân Nhật Bản ưa thích, đồng thời còn xuất hiện tại những thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu. Số lượng tiêu xuất sang các thị trường này lên đến 300 tấn với mức giá cao hơn nhiều so với thị trường trong nước.

    “Từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng tiêu không hạt xuất đi Nhật là 1 tấn với mức giá 22 triệu đồng/kg. Dự kiến cuối năm 2018, đầu năm 2019 sản lượng sẽ là 15 tấn. Đây là con số mục tiêu của doanh nghiệp và cũng là của cá nhân tôi”, anh Nhâm hào hứng nói.

    Chia sẻ về định hướng tiêu thụ trong nước, Bầu Mây đang xây dựng thị trường riêng cho sản phẩm này thông qua kênh phân phối du lịch và bán hàng online trực tuyến giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế biết đến Việt Nam.

    Ngoài ra, để phát triển sản phẩm, mở đường cho việc quảng bá và chuẩn bị nhân giống rộng khắp, anh Nhâm cũng muốn chia sẻ cách trồng và giống cây cho những người nông dân muốn trồng tiêu Bầu Mây.

    “Muốn đem nông sản Việt ra toàn cầu thì cần nhiều hơn sự nỗ lực của một cá nhân. Tôi nghĩ rằng việc nhân giống tiêu và chung tay giúp cho người nông dân Việt hoặc những nhân tố muốn khởi nghiệp nông nghiệp tiếp cận với giống cây tốt là cách tốt nhất để đưa tiêu Bầu Mây đến với tay người dùng, trước là tại Việt Nam, sau là toàn cầu”, anh Nhâm khẳng định.

    Theo Quốc Thái (Báo phụ nữ)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU