• Thông tin hữu ích

    Phát triển lúa thảo dược kết hợp du lịch nông nghiệp
    Chủ nhật, 19:15 Ngày 25/02/2024

    Giống lúa thảo dược trồng thử nghiệm ở Hoa Lư (Ninh Bình) cho kết quả tốt, mở ra triển vọng gắn phát triển các giống lúa này với du lịch của Cố đô.

    Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nông nghiệp, tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Việt Nam có một số giống lúa thảo dược năng suất cao (lúa đen, lúa tím) hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất và vi lượng có thể khai thác sử dụng nhiều bộ phận (gạo, cám, thân, lá..).

    Gạo tím là loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường khác, theo phân tích của các nhà khoa học thì đây là loại gạo có khả năng cải thiện các bệnh về tim mạch và một số loại bệnh khác.

    Đặc điểm của giống lúa này là bông có màu tím đậm, hạt lúa có màu tím hồng và có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, chống chịu tốt một số bệnh như bạc lá, đạo ôn, đốm nâu...

    Giống lúa thảo dược Thảo cẩm 9 trồng thử nghiệm tại xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) phát triển rất tốt. Ảnh: Thảo Phương.

    Giống lúa thảo dược Thảo cẩm 9 trồng thử nghiệm tại xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) phát triển rất tốt. Ảnh: Thảo Phương.

    Lúa thảo dược bén duyên đất Cố đô

    Nhìn ra nhu cầu của thị trường các sản phẩm lúa gạo thảo dược cũng như mong muốn mang đến cho bà con các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, vụ mùa 2023, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hợp tác xã Phong Hòa (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã trồng thử nghiệm giống lúa thảo dược Thảo cẩm 9 và Thảo cẩm ĐH9 với quy mô 10ha, gồm 27 hộ gia đình tham gia.

    Trước đó, trong năm 2022, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã triển khai sản xuất nhằm đánh một số giống lúa thảo dược tại huyện Hoa Lư gồm Thảo cẩm 5, Thảo cẩm 9, Thảo cẩm 22 và Thảo cẩm ĐH9. Qua đó đã chọn được 02 giống triển vọng là Thảo cẩm 9 và Thảo cẩm ĐH9. 

    Kết quả đánh giá trong vụ mùa 2023 cho thấy, giống lúa Thảo cẩm 9 và Thảo cẩm ĐH9 sản xuất tại xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại đây. Hai giống có thời gian sinh trưởng khoảng 115 - 120 ngày trong vụ mùa, ngắn hơn so với giống lúa đối chứng từ 3 - 8 ngày. Chiều cao giống lúa Thảo cẩm 9 là 111,5cm; giống lúa Thảo cẩm ĐH9 là 112,4cm. Lúa sạch bệnh, dự kiến năng suất đạt 5 - 5,3 tấn/ha.

    Theo phân tích, giống lúa thảo dược Thảo cẩm 9 và Thảo cẩm ĐH9 chứa các hàm lượng dinh dưỡng cao như Omega 3, 6 và 9; protein và các chất dinh dưỡng khác như Anthocyanin, Fe, Canxi… rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt hàm lượng chất Anthocyanin khá cao (chất này có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển).

    Ông Phạm Tăng – Giám đốc HTX Phong Hòa (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) cho biết: Đây là vụ thứ ba HTX đưa giống lúa thảo dược vào sản xuất. Vụ mùa 2023, HTX gieo cấy giống lúa Thảo cẩm ĐH9 với diện tích 10ha, ở vụ đông xuân 2022 - 2023, HTX cũng đã đưa giống lúa Thảo cẩm 9 vào sản xuất thử nghiệm. Qua 3 vụ sản xuất thử, cả 2 giống lúa thảo dược đều cho thấy phù hợp với đồng đất địa phương, lúa sạch sâu bệnh, năng suất khá.

    Nông dân trong HTX Phong Hòa (Hoa Lư, Ninh Bình) tham quan mô hình trồng lúa thảo dược. Ảnh: Thảo Phương.

    Nông dân trong HTX Phong Hòa (Hoa Lư, Ninh Bình) tham quan mô hình trồng lúa thảo dược. Ảnh: Thảo Phương.

    Đặc biệt, với những giá trị dinh dưỡng của giống lúa thảo dược, HTX Phòng Hòa đang khuyến khích bà con trong HTX tiếp tục nhân rộng sản xuất, trước hết nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, bên cạnh đó, HTX đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông từng bước xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm gạo thảo dược ra thị trường.

    “Nhà tôi cấy giống lúa thảo dược thử nghiệm từ vụ chiêm xuân 2023, vụ mùa năm nay là vụ thứ 2 bà con sản xuất giống lúa này. Về năng suất, bà con đánh giá các giống lúa thảo dược tương đương với các giống lúa khác ở địa phương, tuy nhiên lúa sạch sâu bệnh hơn nên gần như không phải sử dụng thuốc BVTV, giảm được chi phí sản xuất. Hơn nữa lúa thảo dược có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, vì vậy tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất giống lúa này", bà Phạm Thị Khiêm (đội 4, xóm Thạch Quy, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) cho hay.

    Theo Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, lợi nhuận bình quân 1ha lúa thảo dược tại mô hình ở Ninh Bình đạt hơn 22 triệu 400 nghìn đồng/ha (so với giống đối chứng chỉ đạt hơn 20 triệu đồng), tăng gần 12% so với giống đối chứng (chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/ha).

    Phát triển lúa gạo thảo dược gắn với du lịch

    Huyện Hoa Lư có hơn 3.000ha đất lúa, nhưng do địa hình thấp trũng, xen kẹt giáp chân núi và sông ngòi nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, Hoa Lư có ưu thế thiên nhiên ưu đãi, văn hóa đa dạng, có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư... nên thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Trung bình mỗi năm huyện Hoa Lư đón 6 triệu lượt khách đến tham quan. Tuyến du lịch tại huyện Hoa Lư có hành trình đi qua những cánh đồng trồng lúa của huyện.

    Lúa thảo dược chống chịu tốt với sâu bệnh, năng suất không thua kém các giống lúa khác tại địa phương. Ảnh: Thảo Phương.

    Lúa thảo dược chống chịu tốt với sâu bệnh, năng suất không thua kém các giống lúa khác tại địa phương. Ảnh: Thảo Phương.

    Theo bà Nguyễn Việt Hà – Trưởng phòng Nghiên cứu (Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông): Nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tương đồng như Hoa Lư đã thành công với mô hình lúa gạo thảo dược gắn với du lịch nông nghiệp, như tại đồng bằng sông Po (Ý) gắn du lịch nông thôn với loại gạo thảo dược Venere Nero đen tự nhiên, gạo Rosso Selvatico đỏ hoang dã, hay đồng bằng Camargue (Pháp) sản xuất loại gạo trắng thơm, gạo lứt và đã trở thành một phần du lịch của vùng...

    "Vì vậy, chúng tôi lựa chọn Hoa Lư để trồng lúa thảo dược và trong tương lai sẽ cố gắng đưa các giống lúa thảo dược trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương”, bà Hà nói.

    Hiện nay, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số du khách quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch, được canh tác tại các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản.

    Một không gian thư giãn hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách. Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi, không bao giờ nhàm chán.

    Với thế mạnh về du lịch, sản phẩm lúa gạo thảo dược sẽ có nhiều triển vọng phát triển ở Hoa Lư. Hoa Lư cũng đang xác định mục tiêu là địa phương tiên phong trong sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch địa phương.

    Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, để phát triển các sản phẩm lúa gạo thảo dược gắn với du lịch, địa phương cũng gặp một số khó khăn do đây là giống lúa mới, việc thuyết phục, vận động người dân chuyển đổi sang gieo cấy giống lúa thảo dược còn gặp khó khăn, đặc biệt là đảm bảo đầu ra cho bà con. Việc phát triển du lịch nông nghiệp truyền thống theo hướng bền vững phải gắn với sinh kế của người dân.

    Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông chia sẻ với bà con nông dân về mô hình trồng lúa thảo dược. Ảnh: Thảo Phương.

    Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông chia sẻ với bà con nông dân về mô hình trồng lúa thảo dược. Ảnh: Thảo Phương.

    Ông Phạm Tăng - Giám đốc HTX Phong Hòa cho biết: “Quá trình trồng thử nghiệm giống lúa thảo dược, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do bà con chưa tin tưởng, vì vậy việc quy tụ đất đai để làm rất khó, trong 10ha canh tác thử nghiệm vẫn bị xen kẽ. Bên cạnh đó, nguyện vọng của bà con là được đảm bảo bao tiêu sản phẩm”.

    Về vấn đề này, ông Lưu Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư chia sẻ: Hoa Lư vùng đất cố đô di sản, thực hiện chiến lược duy trì trồng lúa, phát triển nông nghiệp là cơ sở để phát triển kinh tế. Hoa Lư đã có một số nông đặc sản phục vụ du lịch như dê núi đá, cá tràu tiến vua, trồng sen và nay có giống lúa thảo cẩm. Đây sẽ là sản phẩm thu hút khách du lịch thời gian tới.

    "Cân gạo thì du khách mua đâu cũng được, nhưng mua ở vùng đất di sản, mua tại vùng đất du lịch thì sẽ rất khác. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành, sát cánh, đảm bảo điệu kiện thuận lợi nhất để bà con yên tâm trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Minh khẳng định.

    Nguồn: bao nông nghiệp

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU