• Nguyên lý của sự phát triển bền vững

    Phần 3. Hữu cơ giải pháp căn cơ

    Thông qua các hiện thực về các nỗi đau đã tóm tắt ở Phần 1 và nguồn gốc của công nghiệp hóa ở Phần 2 thì chúng ta có thể hiểu rõ được bản chất và thảm họa ngày nay đối với nhân loại. Chưa bao giờ thực phẩm sạch, môi trường sống trong lành lại trở thành mối quan tâm lớn của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia như hiện nay. Vì nó không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe cá nhân, đến việc duy trì nòi giống khỏe mạnh cho dân tộc mà còn là sự tồn vong của cả nhân loại. Chính vì những hậu quả của việc lạm dụng chất hóa học tổng hợp và cuộc cách mạng công nghiệp gây ra mà những năm gần đây nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với nội dung cốt lõi là không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và các chất tổng hợp và thay đổi lối sống, sản xuất theo quy luật của thiên nhiên lại ngày càng phát triển, mở rộng ra ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Lối sống xanh cũng đang là chủ đề được đưa ra bàn nghị sự. Ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm được xem là có ảnh hưởng và chuyển mình rõ nét nhất.

    Để có cái nhìn tổng quát và đầy đủ về hiện trạng, bản chất hữu cơ, cũng như lợi ích và mà giải pháp hữu cơ mang lại trong việc loại trừ hiểm họa gây ra do công nghiệp hóa từ tận gốc rễ chúng ta cần hiểu rõ nguyên lý hữu cơ và những lợi ích mà hữu cơ mang lại cho nhận loại và muôn loài.

    1.    Khái niệm về “Hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ”

    Ngày nay, có rất nhiều định nghĩa cũng như cách diễn đạt khác nhau về hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn, theo Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements) – là một trong những tổ chức điển hình nhất của phong trào hữu cơ quốc tế, đại diện cho gần 800 chi nhánh tại 117 quốc gia, thì nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu kỳ thích nghi với điều kiện địa phương chứ không phải là việc sử dụng các yếu tố đầu vào nguy hại với các hiệu ứng bất lợi.

    Hữu cơ hay nông nghiệp hữu cơ không chỉ bao gồm việc không sử dụng hóa chất tổng hợp, chẳng hạn như thuốc BVTV, phân bón vô cơ mà còn là một hệ thống dựa trên: Đa dạng sinh học, cải tạo dinh dưỡng đất, phát triển bền vững và hạn chế việc sử dụng các vật tư nông nghiệp đầu vào có nguồn gốc tổng hợp. Theo đó, hệ sinh thái hữu cơ khuyến khích sự tham gia của đa thành phần có liên quan mật thiết và tương tác qua lại nhưng mang tính thúc đẩy sự phát triển tích cực và bền vững của cả hệ sinh thái.

    Nông nghiệp hữu cơ - Giải pháp cho nông sản sạch và phát triển bền vững

    Nông nghiệp hữu cơ kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học có lợi cho môi trường, chia sẻ và thúc đấy các mối quan hệ công bằng và một cuộc sống chất lượng cho tất cả các bên liên quan. Và còn rất nhiều khái niệm hay định nghĩa khác nhau về nông nghiệp hữu cơ nhưng nhìn chung các khái niệm đều chủ trương theo hướng giảm thiểu tối đa hoặc không dùng giống cây trồng vật nuôi biến đổi gen, phân bón vô cơ, hóa chất tổng hợp hoặc chất kháng sinh.

    2. Lợi ích của canh tác hữu cơ là gì?

    Một hiện tượng phổ biến hiện nay là khi nông dân càng bón phân hay sử dụng thuốc BVTV nhiều chừng nào thì cây trồng của họ lại càng dễ bị sâu bệnh phá hại thậm chí dẫn tới mất mùa hoặc bị tàn phá hoàn toàn. Nghịch lý này chỉ có thể được liên tưởng và so sánh với một thực tế đối nghịch trước đây là sản xuất nông nghiệp truyền thống không hề sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì cây trồng vẫn sinh trưởng bình thường, không hề bị nhiều dịch hại phá hoại như ngày nay. Hay như các cây trồng trong các khu rừng, hệ sinh thái đầm lầy... cũng tương tự như vậy. Chúng sinh trưởng một cách tự nhiên và không cần sự tác động của con người. Chính những hiện tượng thực tiễn đó đặt ra cho chúng ta những câu hỏi nghiêm túc và từ đó phát ra những hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về lối canh tác dựa quá nhiều vào hóa chất hiện nay. Tác động không mong muốn đối với môi trường và sức khỏe người nông dân cũng đang là những hồi chuông đáng báo động. Thực ra, những hiện tượng này có thể lý giải thấu đáo thông qua lý thuyết hệ sinh thái. Theo đó, trong một hệ sinh thái tự nhiên tất cả các sinh vật hình thành và phát triển ở một thế cân bằng động nhưng hết sức bền vững. Chỉ cần một yếu tố ngoại cảnh (sinh cảnh) thay đổi theo hướng có lợi hay bất lợi cho một nhân tố của quần xã lập tức cân bằng sinh thái sẽ dịch chuyển theo hướng tăng cường nhân tố có lợi của quần xã và giảm nhân tố bất lợi của quần xã hoặc làm giảm nhân tố phía trước của chuỗi thức ăn hay giảm nhân tố hàng ngang cùng bậc với nhân tố có lợi kia, từ đó làm mất đi sự cân bằng vốn có của hệ sinh thái nếu như sự điều chỉnh không được thiết lập.

    Ở chiều ngược lại, canh tác hữu cơ lại hướng tới việc đa dạng các thành phần của hệ sinh thái hoặc thiết lập hệ sinh thái "nhân tạo" theo hướng gần gũi với thiên nhiên hơn. Theo đó, các yếu tố đầu vào cũng có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc phương pháp canh tác hướng tới sự tự kiểm soát của các thành phần trong hệ sinh thái thay vì mang tính tận diệt diệt theo ý chủ quan của con người. Bằng cách đó, canh tác hữu cơ có thể mang lại rất nhiều lợi ích khác ngoài việc duy trì tính cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái, chẳng hạn, làm tăng chất lượng nông sản và vẫn duy trì môi trường sinh thái. Từ đó, giúp việc sản xuất nông nghiệp trở nên bền vững hơn. Tạo ra nguồn nông sản an toàn hơn. Môi trường sống cũng trở lên trong lành và gần với hệ sinh thái tự nhiên hơn. Đó chính là lập luận chặt chẽ và sâu xa nhất của triết lý hữu cơ.

    3. Bối cảnh, hiện trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xu hướng

    Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe của họ, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của những sản phẩm mà họ tiêu dùng. Phần lớn các quy định thông thường đều tập trung đến phẩm chất, kích thước, trọng lượng và ghi nhãn bao bì. Quy định ghi nhãn mác yêu cầu các thông tin như: nước xuất xứ, tên sản phẩm, chủng loại và số lượng. Những yêu cầu liên quan đến chất lượng thương mại là chủng loại, màu sắc, thời hạn sử dụng, hư hỏng bên ngoài và hình dạng của sản phẩm. Có nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu nhận thấy rằng thị trường đối với các mặt hàng nông sản được chứng nhận là rất phức tạp. Cơ hội và những đòi hỏi liên quan đến các chương trình chứng nhận không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thêm vào đó, người sản xuất thường không hiểu đó là những yêu cầu bắt buộc (là kết quả của bộ luật hay quy định của nước nhập khẩu) hay là tự nguyện. Hiểu biết về tình trạng, yêu cầu và xu hướng của nông nghiệp hữu cơ và chứng nhận hữu cơ là một việc làm có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản và thương hiệu nông sản.

    - Sau thời kỳ bùng nổ của “Cuộc cách mạng hóa học vào những năm 1940”, dẫn đến thập kỷ được gọi là 'kỷ nguyên thuốc trừ sâu' thì mặt trái của cuộc cách mạng hóa học bắt đầu bộc lộ những mặt trái và ngày càng mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Nhận thức được những mặt trái ấy năm 1921, người sáng lập và tiên phong của phong trào hữu cơ, Ngài Albert Howarai và vợ là Gabrielle Howard, đã trở thành những nhà thực vật học, thành lập một Viện Công nghiệp thực vật để cải thiện phương pháp canh tác truyền thống ở Ấn Độ.

    Trên thế giới

    Phong trào Hữu cơ Quốc tế được thành lập tại  Pháp từ năm 1972 (IFOAM). Do một tổ chức nông dân Pháp tổ chức và có sự tham dự của 5 nước: (1) Lady Eve Balfour đại diện cho Hiệp hội Đất của Vương quốc Anh; (2) Kjell Arman đại diện cho Hiệp hội Động lực học Thụy Điển; (3) Pauline Raphaely đại diện cho Hiệp hội Đất Nam Phi; (4) Jerome Goldstein đại diện nhà xuất bản Rodale, Inc. của Hoa Kỳ; và (5) Roland Chevriot đại diện Nature et Progrès của Pháp.
     
    Năm 2010, toàn thế giới có 160 nước được chứng nhận có sản xuất NNHC với 37,3 triệu ha, chiếm 0,9% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu, trong đó 2/3 là đất trồng cỏ và chăn thả đại gia súc (23 triệu ha). Có 2,8 triệu ha cây hàng năm gồm 2,5 triệu ha ngũ cốc (trong đó có lúa) và 0,3 triệu ha rau. Diện tích canh tác hữu cơ cây lâu năm là 2,7 triệu ha trong đó 3 cây quan trọng nhất là: cà phê (0,6 triệu ), ô liu (0,5 triệu) và cây lấy hạt có dầu (0,5 triệu). Có 7 nước đạt diện tích NNHC cao hơn 10%. Tại châu Âu có 10 triệu ha NNHC với 219.431 hộ/trang trại. Những nước có diện tích NNHC lớn là Tây Ban Nha, Italia và Đức. Bắc Mỹ có 2,6 triệu ha NNHC (Mỹ 1,9 triệu và Canada 0,7 triệu). Châu Á có 2,8 triệu ha trong đó dẫn đầu là Trung Quốc (1,4 triệu ha) và Ấn Độ (0,8 triệu). Châu Phi có 1 triệu ha NNHC với 544.000 trang trại. Mỹ Latinh có 8,4 triệu ha NNHC trong đó Argentina 4.2 triệu ha, Brasil 1,8 triệu, Uruguay 0,9 triệu. Châu Đại Dương có 12,1 triệu ha NNHC trong đó 97% là của Úc và là đất đồng cỏ tự nhiên với 8.432 trang trại.

    Doanh thu năm 2010 từ thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc hữu cơ đã đạt 59,1 tỷ USD. Các nước tiêu thụ nhiều sản phẩm hữu cơ nhất là Mỹ (26,7 tỷ), Đức (8,4 tỷ) và Pháp (4,7 tỷ). Tại châu Âu giá trị thương mại năm 2010 của các sản phẩm NNHC đạt 19,6 tỷ EURO. Giá trị sản phẩm NNHC của Mỹ năm 2010 đạt 29 tỷ USD trong đó 30% là rau quả hữu cơ. Tại châu Á lượng sản phẩm NNHC còn chiếm thị phần nhỏ và chủ yếu là tiêu dùng nội địa. Tại Mỹ Latinh phần lớn sản phẩm NNHC được xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản với các ngành hàng chủ lực là: quả nhiệt đới, ngũ cốc, cà phê, ca cao, đường và thịt. Tại châu Đại Dương phần lớn sản phẩm NNHC là để xuất khẩu. Tổng giá trị sản phẩm NNHC của Úc đạt khoảng 1,3 tỷ AUD.

    Tính đến năm 2019, khoảng 70.000.000 hécta trên toàn thế giới đã được canh tác hữu cơ, chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu lên tới 336 triệu đô la/năm.

    Ở Việt Nam

    Sản xuất NNHC theo khái niệm của IFOAM còn rất mới mẻ ở nước ta với quy mô nhỏ lẻ, còn mang tính khởi đầu, thăm dò, thử nghiệm. Năm 2010 Việt Nam có 19.272 ha sản xuất NNHC được chứng nhận (tương đương 0,19% tổng diện tích canh tác) cộng với 11.650 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ/sinh thái và 2.565 ha rừng nguyên sinh để khai thác các sản phẩm hữu cơ tự nhiên. Năm 2012 diện tích NNHC tăng lên thành 23.400 ha. Theo báo cáo của Hiệp hội NNHC Việt Nam tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam ước đạt 12-14 triệu USD với các sản phẩm chính là chè, tôm, gạo, quế, hồi, tinh dầu tuy số lượng còn rất khiêm tốn.

    Có thể kể ra một số mô hình/Dự án theo hướng NNHC bước đầu tương đối thành công như:

    - Dự án ADDA_VNFU về canh tác hữu cơ. Dự án thực hiện tại 9 tỉnh/thành phố với nhiều loại nông sản trên diện tích 70 ha đặc biệt là rau hữu cơ cung cấp ổn định cho các khu công nghiệp, nhà hàng/khách sạn trên địa bàn.

    - Ecolink và Ecomart với sản phẩm chè và rau hữu cơ. Chè HC được xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của tổ chức ICEA (Italia). Ngoài chè, Công ty còn cung cấp 20 chủng loại rau HC cho 2000 khách hàng tại thị trường nội địa.

    - Organik Đà Lạt với sản phẩm rau hữu cơ. Trang trại sản xuất rau HC từ 2006 với khoảng 150 chủng loại rau các loại cung cấp cho khoảng 1.000 khách hàng ngoại quốc đang làm việc ở Việt Nam cũng như xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
    - Viễn Phú Green Farm sản xuất gạo hữu cơ trên diện tích 200 ha tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với các sản phẩm gạo HC “Hoa Sữa” đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ để xuất sang thị trường Mỹ.

    - Mô hình sản xuất cam sành HC đặc sản ở Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Các mô hình rau HC ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình, ở huyện Duy Tiên, Hà Nam v.v.

    - Công ty CP Vinamit đã chính thức đạt được Chứng nhận Canh tác nông nghiệp hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Eco-cert –EU).

    - Tập đoàn TH True Milk có trang trại với diện tích 20.000 ha ở huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An trồng cây dược liệu và rau hữu cơ cũng như cánh đồng trồng cỏ và ngô hữu cơ để làm thức ăn cho bò sữa trong quy trình sản xuất sữa hữu cơ.

    Tuy nhiên, một trong những điểm mấu chốt mang tính quyết định cho cả một câu chuyện hữu cơ hay ngành nông nghiệp thực phẩm hữu cơ hiện nay là phải có một hệ thống tiêu chuẩn và căn cơ về hữu cơ để từ đó, các tổ chức hay các thành phần của một hệ sinh thái có thể cùng tồn tại và phát triển cộng sinh lẫn nhau. Hay nói một cách chính xác là phải có một hệ sinh thái hữu cơ.

    Như một sứ mệnh định sẵn và tầm nhìn xuyên thấu hệ sinh thái hữu cơ QNQ đã và đang từng bước đảm nhiệm vai trò thiêng liêng và trọng trách này. Dựa trên 3 giá trị cốt lõi: XANH - SẠCH & THIÊN NHIÊN

    4. Cơ hội phát triển nông nghiệp hữu cơ

    Nước ta vốn là một nước có truyền thống nông nghiệp, có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, nguồn tài nguyên động thực vật phong phú, nhiều diện tích đất đai ở miền núi, vùng sâu, vùng xa (chưa được đầu tư nhiều theo hướng thâm canh hóa học hóa nông nghiệp) còn đang trong tình trạng nguyên sơ, tự nhiên thì cơ hội phát triển NNHC theo hướng hiện đại là rất lớn. Người nông dân của chúng ta với những kinh nghiệm canh tác hữu cơ truyền thống phong phú cũng sẽ dễ dàng tiếp thu những kiến thức canh tác hữu cơ hiện đại, khoa học hiện nay. Trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, sự quan tâm và đòi hỏi của toàn xã hội đối với nông sản sạch, an toàn ngày càng cao và bức xúc. Với xu thế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng và độ an toàn cho nông sản Việt xuất khẩu là vấn đề sống còn để giữ và phát triển thị trường. Việc một số nông sản HC của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu là một minh chứng cho chiều hướng này. Ngày 29/12/2006 Bộ NN và PTNT đã ban hành Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 602-2006 Tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và Chế biến. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng bước đầu làm chỗ dựa cho việc tiếp tục phát triển NNHC ở nước ta.

    5. Những thách thức khi thực hiện nông nghiệp hữu cơ  

    Mặc dù triển vọng của việc phát triển NNHC ở nước ta là rõ ràng nhưng trước mắt cũng còn khá nhiều khó khăn, trở ngại cần sớm được giải quyết:

    - Hiện nay mức sống của nhân dân ta nói chung còn chưa cao nên nhận thức của đa số người nông dân, người tiêu dùng và của xã hội về NNHC còn hạn chế.
    - Sau một thời gian dài chịu sức ép phải đạt sản lượng nông nghiệp tối đa trong điều kiện đất chật, người đông chúng ta đã quá quen với nền sản xuất thâm canh truyền thống hướng tới năng suất, sản lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học.

    - Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học hay phòng trừ dịch hại bằng thủ công v.v. trong NNHC đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, hiệu quả chậm, khó thực hiện đồng loạt khi cần thiết và cũng khó bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu cho hàng nghìn, hàng triệu hecta.

    - Các sản phẩm hữu cơ trong nhiều trường hợp có hình thức, mẫu mã không đẹp bằng các sản phẩm thâm canh truyền thống và năng suất cũng không cao.
    - Mặc dù giá thành của nông sản HC trong nhiều trường hợp cao hơn nông sản thường nhưng giá bán chỉ tương đương do người tiêu dùng không thể phân biệt hai loại sản phẩm.

    - Các văn bản và hướng dẫn về sản xuất NNHC còn chưa rõ ràng, chưa có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn NNHC.

    - Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Đến nay một số sản phẩm đã có chứng nhận đều do các tổ chức nước ngoài cấp như: IMO, JAS, ICEA v.v.

    - Ở giai đoạn khởi đầu như hiện nay việc triển khai NNHC còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn chưa có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu, các nhà khoa học v.v. trong việc tham gia nghiên cứu và sản xuất NNHC.

    Nguyễn Văn Quyền (Th.S N.N.H.C)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU