• Thông tin hữu ích

    Nông nghiệp hữu cơ đâu chỉ phục vụ riêng giới nhà giàu
    Thứ sáu, 15:00 Ngày 25/10/2019

    Theo ông Hà Sỹ Đồng, làm nông nghiệp hữu cơ không phải là viển vông, nó là con đường của sự sống mới. Bởi, nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường,  làm cho hệ sinh thái được bền vững, con người được dùng thực phẩm an toàn.

    Trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh vấn đề phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. 

    Không viển vông

    Trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề an toàn thực phẩm được nhắc đến ngày càng nhiều, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp hữu cơ?

    Đứng trước những vấn đề khủng hoảng liên quan đến an toàn thực phẩm trong thời gian vừa qua, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ ngày càng phát triển, Chính phủ đã đầu tư đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trong những năm gần đây và đề ra chiến lược phát triển dài hạn trong tương lai.

    Có thể thấy, nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng. Song, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện nay, Việt Nam có khoảng 76.666 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Diện tích, quy mô, phạm vi ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường ngày càng được mở rộng.

    Nhưng xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước còn khiêm tốn; đối tượng ứng dụng nông nghiệp hữu cơ mới chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt, các lĩnh vực khác như: chăn nuôi, thủy sản còn rất ít.

    Cả nước hiện nay cũng mới chỉ 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA). Các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ của Việt Nam hiện còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

    Nhiều người cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ là viển vông, sản phẩm làm ra chỉ rằng cho đối tượng nhà giàu. Theo ông, quan điểm này có đúng không?

    Tôi nghĩ, nông nghiệp hữu cơ là con đường của sự sống mới, không phải là viển vông. Bởi, nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường, làm cho hệ sinh thái được bền vững, con người được dùng thực phẩm an toàn.

    Đặc biệt, theo xu hướng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng những sản phẩn chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhu cầu chính đáng của tất cả người dân chứ không chỉ riêng gì giới nhà giàu. Nông sản hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí này.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hà Sỹ Đồng

    Chưa kể, một bộ phận người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ cũng là những người đầu tiên được hưởng thành quả mà mình làm ra. Đó là những hạt gạo hữu cơ, những quả cam, quả bưởi hữu cơ… Họ cũng đâu thuộc giới nhà giàu như mọi người nghĩ.

    Chúng ta nên nghĩ, làm nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường sống của chúng ta chứ đừng nghĩ làm ra chỉ để phục vụ một đối tượng người tiêu dùng nào đó.

    Quảng Trị có những mô nông nghiệp hữu cơ đang phát triển rất tốt, đặc biệt là chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ, ông có thể chia sẻ nhiều hơn về mô hình này?

    Quảng Trị là một tỉnh nông nghiệp 70%. Trước năm 2017, tỉnh còn nghèo, thu nhập rất thấp. Trong khi đó, xu thế hiện nay, nông sản làm ra phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng, thế nên, chuyển đổi sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn lựa chọn nào khác.

    Cùng với những mô hình trồng rau, trái cây hữu cơ, 3 năm trở lại đây, Quảng Trị đang đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ. Ở đó, bà con nông dân bắt tay liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

    Toàn tỉnh đã trồng được 158,224ha lúa hữu cơ ở 5 huyện và thành phố với sự tham gia của 11 HTX, tổ hợp tác. Ở mô hình này, các hộ nông dân sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ vi sinh, không dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới tiêu cũng có nguồn cung cấp riêng. Đặc biệt, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác mà doanh nghiệp đưa ra trước đó.

    Đến nay đã được 6 vụ thu hoạch. Lúa vụ sau cao hơn vụ trước, giá bán cao hơn lúa thường cùng loại và người nông dân sau khi cân lúa bán cho doanh nghiệp được trả tiền tươi ngay tại bờ ruộng.

    Đến giờ có thể khẳng định mô hình sản xuất lúa gạo tại Quảng Trị rất thành công. Gạo bán ra thị trường cũng đã xây dựng được thương hiệu gắn với vùng miền, tạo dấu ấn mạnh. 

    Dự kiến trong năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Trị sẽ tăng lên 1.000ha và trong tương lai không xa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ làm theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.

    Chưa có Bộ quy trình kỹ thuật

    Từ những mô hình thực tế ở Quảng Trị, theo ông, những khó khăn đang gặp phải trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay là gì?

    Có thể thấy khung pháp lý định hướng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ đã cơ bản. Tuy nhiên, trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp để sản phẩm được chứng nhận hữu cơ còn nhiều khó khăn.

    Chúng ta chưa có Bộ quy trình kỹ thuật về sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận cho nông dân áp dụng. Đa số người sản xuất vẫn đang tự mò mẫm tìm kiến, thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật khác nhau để giải quyết các vấn đề về năng suất, dịch bệnh do việc không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV.

    Các loại vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất hữu cơ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Thậm chí ngay cả giống rau, giống lúa hữu cơ cũng rất hiếm…

    Thêm nữa, chúng ta rất khó thu hút các DN vào đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hệ thống chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... có chi phí cao nhưng thị trường lại chưa có phân khúc rõ ràng cho dòng sản phẩm hữu cơ.

    Thăm mô hình dưa lưới công nghệ cao tại Trung tâm giống Quảng Trị

    Nguồn nhân lực, nhận thức của người sản xuất, sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thay đổi nhưng vẫn còn chậm, chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn.

    5 kiến nghị

    Ông có kiến nghị, đề xuất gì để ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng có thể phát triển hơn nữa?

    Trong thời gian tới, với những định hướng của Chính phủ phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về phát triển nông nghiệp hữu cơ, tôi xin kiến nghị ngành nông nghiệp cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên vùng gắn kết với hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Khuyến khích tiếp tục dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực vùng, sản phẩm đặc sản địa phương.

    Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt nghiên cứu các vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: Phân hữu cơ vi sinh, thức ăn hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng... Ban hành quy trình sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng, con nuôi chủ lực để nông dân áp dụng sản xuất trên quy mô lớn, thuận tiện cho quá trình chứng nhận quy trình đạt chuẩn.

    Thứ ba, có cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích DN liên doanh, liên kết với HTX, người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn. Hỗ trợ nông dân, HTX, DN trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường nông nghiệp hữu cơ, yêu cầu và cách thức đáp ứng của các tiêu chuẩn chứng nhận, đồng thời, hỗ trợ để nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

    Thứ tư, cần có sự quản lý chặt chẽ các Tổ chức chứng nhận, các đơn vị được giao nhiệm vụ chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong chứng nhận sản phẩm. Thông qua đó tạo niềm tin cho người sản xuất, nhất là người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn.

    Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người xuất, người tiêu dùng, gắn kết trách nhiệm giữa sản xuất, tiêu dùng với bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe và tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên toàn quốc, đồng thời, khai thác có hiệu quả các hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ của Việt Nam ra chợ thế giới.

    Theo Tâm An (Vietnamnet.vn)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU