• Thông tin hữu ích

    Khả năng phòng chống ung thư của đậu nành
    Thứ ba, 15:04 Ngày 04/10/2022

    Trong các isoflavone của đậu nành, genistein là hoạt chất có hoạt tính sinh học cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.

    Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ đã xếp đậu nành vào danh sách những thực phẩm chống lại bệnh ung thư. Nguồn: pkgdvietuc.

    Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR), đậu nành là một trong rất ít thực phẩm từ thực vật có đầy đủ axit amin cần thiết cho cơ thể. Ngoài đạm ra, đậu nành còn là một nguồn cung cấp chất xơ, kali, magiê, đồng, mangan, sắt và những chất béo không bão hòa thiết yếu như omega-6 (axit linoleic) và omega-3 (alpha-linolenic).

    Đậu nành chứa hóa chất thực vật (phytochemical) có lợi cho sức khỏe con người, trong đó isoflavone là trọng tâm của hầu hết nghiên cứu.

    Isoflavone được xếp vào loại estrogen thực vật (phytoestrogen). Một điều đặc biệt ở estrogen thực vật là nó sở hữu cùng lúc hai tính chất đối lập nhau khi kết nối với thụ thể estrogen ở người: giống estrogen và phản estrogen.

    Trong các isoflavone của đậu nành, có ba hoạt chất quan trọng: genistein, daidzein, glyceitein. Trong đó, genistein là hoạt chất có hoạt tính sinh học cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư qua ba đường chính:

    • Giảm viêm, thông qua việc giảm lượng COX-2 và prostaglandin E2 trong tế bào (đây là hai chất thúc đẩy quá trình viêm).

    • Giảm yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor -i EGF).

    • Giảm chức năng của yếu tố tăng trưởng giống insulin (insulin like growth factor - IGF).

    Bên cạnh đó, genistein còn cho thấy tiềm năng kích hoạt sự chết theo chương trình (apoptosis) ở tế bào ung thư tuyến tiền liệt, chống tăng sinh mạch, ức chế các enzyme tyrosine kinase - một loại protein thường được tìm thấy rất nhiều ở tế bào ung thư, hỗ trợ miễn dịch.

    Ngoài nhóm isoflavone ra, một số hoạt chất khác trong đậu nành cũng đã được nghiên cứu và cho thấy khả năng phòng chống ung thư).

    • Saponins: giúp giảm cholesterol và đường trong máu.

    • Axit phenolic: đang được nghiên cứu khả năng chống ung thư di căn.

    • Axit phytic: có tính chống oxy hóa.

    • Những protein điều tiết enzyme: bao gồm chất ức chế protease and chất ức chế protein kinase.

    • Sphingolipids: có khả năng điều chỉnh sự tăng trưởng của tế bào, sự tự hủy các tế bào bất thường và sự tiến triển của khối u.

    Vì tác dụng của những hoạt chất được kể trên trong đậu nành, Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ đã ưu ái xếp đậu nành vào danh sách những thực phẩm chống lại bệnh ung thư.

    Xin lưu ý rằng các kết quả nghiên cứu được đề cập trong bài viết đều không phân biệt đậu nành làm sữa có phải là GMO (thực vật biến đổi gene) hay không, và để tránh các tranh luận không cần thiết, gây sai lệch mục đích của bài viết, đậu nành được nhắc đến trong bài viết là dạng không GMO.

    Khả năng phòng chống ung thư và chữa trị của đậu nành

    Ung thư tuyến tiền liệt

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt rất thấp ở các nước châu Á so với người phương Tây. Một trong những nguyên nhân được giả thiết là do người châu Á tiêu thụ thực phẩm từ đậu nành cao hơn).

    Một nghiên cứu đã thử kết hợp xạ trị và đậu nành đã phát hiện tác dụng của xạ trị trên tế bào ung thư được kéo dài hơn, ức chế được sự phát triển của khối u, và giảm di căn đến hạch.

    Năm 2009, một nghiên cứu tổng hợp các nghiên cứu nhỏ khác liên quan đến chủ đề này từ năm 1966 đến 2007 đã quan sát được khả năng phòng chống ung thư tuyến tiền liệt ở những người ăn thực phẩm giàu isoflavone.

    Theo Viện Ung bướu Quốc gia Mỹ, một số thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện trên người với mục đích chữa ung thư tuyến tiền liệt bằng isoflavone (uống sữa đậu nành hoặc thuốc bổ isoflavone). Tuy chỉ có một số thực nghiệm đem lại kết quả khả quan rõ rệt, nhìn chung isoflavone được dung nạp tốt trong cơ thể bệnh nhân ung thư.

    Ung thư vú

    Vai trò của đậu nành đối với ung thư vú gây khá nhiều tranh cãi bởi trên lý thuyết, ung thư vú chịu rất nhiều ảnh hưởng của estrogen nội sinh, trong khi đậu nành lại cung cấp thêm estrogen thực vật.

    Tuy vậy, nên nhớ một điều là estrogen thực vật trong đậu nành có hai tính chất đối lập: giống estrogen và phản estrogen. Do đó, tác dụng thật sự của đậu nành lên tỷ lệ mắc ung thư ở người chưa bị và tỷ lệ tái phát/ tử vong ở người đã bị ung thư vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

    Tuy nhiên, theo các nghiên cứu phân tích tổng hợp gần nhất, đậu nành có vẻ có tác dụng tích cực đối với việc phòng bệnh ở người chưa mắc ung thư. Cụ thể, năm 2006, một nghiên cứu của Trường Y Johns Hopkins tổng hợp 18 nghiên cứu dịch tễ từ năm 1978 đến năm 2008 thấy rằng đậu nành có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư vú.

    Năm 2010, một nghiên cứu tổng hợp khác cũng đồng ý với nghiên cứu trước và ước tính isoflavone trong đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 16%, nhất là ở người châu Á… Cả hai nghiên cứu đều nhấn mạnh vai trò của isoflavone trong việc phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ.

    Đối với nhóm bệnh nhân đang điều trị, các bằng chứng hiện có cho thấy việc tiêu thụ đậu nành có tác dụng tốt hoặc không có tác dụng đáng kể. Một nghiên cứu tổng hợp công bố năm 2013, tổng hợp kết quả của 5 nghiên cứu khác với hơn 11.000 bệnh nhân ung thư vú, cho thấy việc tiêu thụ đậu nành mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ER-, ER+/ PR+, và hậu mãn kinh…

    Một phân tích sâu khác vào năm 2012, sau khi xem xét 3 nghiên cứu đoàn hệ ở Mỹ và Trung Quốc với hơn 9500 bệnh nhân, kết luận rằng việc tiêu thụ ít nhất 10mg isoflavone từ đậu nành mỗi ngày không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong vì bệnh nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh.

    Ung thư ruột kết và trực tràng

    Năm 2009, một nghiên cứu tổng hợp 11 nghiên cứu nhỏ khác từ 2009 trở đi, đã quan sát được đậu nành có thể làm giảm khả năng bệnh ung thư ruột kết và trực tràng đến 21% ở phụ nữ, nhưng không có thay đổi đáng kể ở nam giới. Isoflavone đậu nành có cấu trúc và quá trình chuyển hóa trong cơ thể khá tương tự với estrogen ở người.

    Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh thường suy giảm estrogen, nên khi được bổ sung isoflavone đậu nành, tác dụng giảm ung thư càng được thấy rõ ràng hơn. Những tế bào khối u ở khu vực ruột kết và trực tràng thường thiếu hoặc vắng mặt đoạn gene chịu trách nhiệm sản xuất thụ thể estrogen, và isoflavone trong đậu nành có thể kích thích gene này hoạt động mạnh hơn, từ đó ức chế sự tăng trưởng của những tế bào bất thường.

    Một nghiên cứu khác, công bố năm 2016, đã phân tích tổng hợp 17 nghiên cứu dịch tễ khác cho thấy việc tiêu thụ các isoflavone từ đậu nành làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư ruột kết và trực tràng, đặc biệt là ở người châu Á.

    Nguồn: zingnews

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU