• Thông tin hữu ích

    Huyền thoại Sơn dược
    Thứ hai, 11:49 Ngày 17/02/2020

    Cây khoai mài (còn gọi là củ mài) là loại cây dây leo mọc hoang ở các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung nước ta. Người ta có thể chế biến nhiều món ăn ngon khác nhau từ củ mài. Ngoài ra, củ mài sau khi sấy khô còn là vị thuốc được dùng nhiều trong đông y với tên gọi là hoài sơn hay sơn dược.

    Hoài sơn thái lát phơi khô. Ảnh: internet

    Ngày xưa, rất xưa, khi một lãnh thổ chưa phải là một nước lớn, thống nhất, mà là hàng trăm, hàng nghìn “nước“ nhỏ, thì mỗi bộ lạc là một “nước”. Bộ lạc nào đông dân, có nhiều tráng đinh, dũng sĩ hay quân lính, thì người chiếm lĩnh cai trị là Vua, và vùng chiếm đóng là “nước“.

    Chuyện kể có hai nước mạnh và yếu giáp giới. Bao nhiêu năm qua họ sống yên vui trong hòa bình. Một hôm bỗng dưng sinh sự đánh nhau. Cố nhiên là nước mạnh thắng trận. Quan quân rút đi hết, quân nước mạnh hoàn toàn chiếm thành trì lãnh thổ của nước yếu.

    Bên phía chiến bại có một đoàn quân rất dũng cảm, nhất định không chịu đầu hàng, nên rút lui lên một vùng núi rừng thật xa.

    Rút quân vào núi sâu. Ảnh minh họa: internet

    Quân mạnh cố nhiên không tha, đuổi theo vào tận rừng sâu, nhưng vì núi rừng hiềm trở, dễ thủ khó công. Quân mạnh tấn công nhiều lần đều vô hiệu, trái lại còn tổn thất nhiều nhân mã. Tướng quân mạnh bèn ra lệnh bao vây rừng núi, ý định chận đường vận lương. Đợi địch quân đói thì phải đầu hàng.

    Một tháng trôi qua, quân yếu trên núi không thấy có động tĩnh gì. Tướng của quân mạnh đoán là binh lương của họ sắp cạn.

    Tuy nhiên, qua đến tháng thứ ba, rồi tháng thứ tư, đoàn quân trên núi vẫn không động tĩnh. Các tướng lại đoán chắc là bao nhiêu chiến mã đều đã bị dùng làm lương thực. Bây giờ địch quân ngoài đầu hàng không còn cách gì khác nữa.

    Các tướng muốn tấn công tận diệt quân địch, nhưng cũng cẩn thận chờ thêm vài ngày. Mấy hôm sau, quân sĩ được lệnh kêu gọi quân trên núi , bỏ khí giới đầu hàng sẽ được tha. Ấy vậy mà, mỗi lần nghe kêu chiêu hàng, quân trên núi lại trả lời bằng tên bắn xuống như mưa, tỏ ý quyết không đầu hàng.

    Hai bên cầm cự, thấm thoát đã được 8 tháng. Quân bao vây tưởng là tàn quân trên núi đã hết lương thực, ngựa chiến cũng bị ăn thịt hết, quân sĩ cũng chết đói mỗi ngày la liệt trên núi. Nếu còn ít nhiều quân sống sót, chắc cũng giống hình bộ xương khô, không lết nổi. Với sự phỏng đoán lạc quan ấy, vòng vây canh gác cũng nới lỏng, không cẩn thận như trước.

    Các tướng đều nghĩ rằng mình chẳng phải đánh nhau, khỏi tổn thương quân sĩ, cũng không mất công, tốn cung tên, mà sẽ đại thắng. Nay mai chỉ việc lên núi thu dọn tử thi là xong. Cả đoàn, tướng cũng như quân vui vẻ, hứng khởi với viễn cảnh đại thắng, nên binh sĩ được phép mấy ngày liền, mở tiệc ăn mừng, đàn ca, rượu thịt khao quân trước.

    Mấy hôm sau, đoàn quân mạnh sau 8 tháng bao vây canh phòng mệt nhọc, lại vừa liền nhiều ngày khao quân, rượu thịt, đàn ca, vui nhộn, nên cả đoàn quân đều mệt nhừ, đêm đến nằm lăn ra ngủ say như chết. Đêm khuya núi rừng yên tĩnh, hàng nghìn tiếng ngáy vang vọng rất xa.

    Phản công. Ảnh minh họa: internet

    Bỗng nhiên có tiếng reo hò ầm ầm vang dậy chấn động núi rừng. Tất cả doanh trại phát hỏa. Quan quân đang ngủ say sưa hốt hoảng bừng tỉnh dậy, thấy lửa bùng cháy khắp nơi.

    Tướng chỉ huy đang ngủ mê man, giật mình tỉnh dậy cùng lúc nghe tin bị tấn công, không kịp mặc áo giáp, đeo khí giới, nhảy lên ngựa chạy như bay như biến.

    Đoàn quân không có chủ tướng thành một toán quân ô hợp, không còn biết phải làm gì. Quân địch ào ào tấn công. Tiếng la hét “sát sát” vang trời. Trận đột kích thành công chóng vánh. Cả một đoàn quân nửa tỉnh nửa say, đầu hàng bị bắt gọn.

    Đại thắng rồi, Nước yếu lấy được tất cả thành trì đất đai đã mất, dân chúng lại được an cư lạc nghiệp như xưa.

    Điều kỳ diệu gì khiến đoàn quân bị vây 8 tháng trên núi, mà rừng núi này không có cây trái rau quả gì có thể dùng làm lương thực; lại cũng không có quân giải vây, cứu viện, hay có quân vận lương đến. Toán quân yếu này làm thế nào để khỏi chết đói, mà còn đánh thắng một đoàn quân mạnh khỏe tinh nhuệ gấp bội.

    Củ mài. Ảnh: internet

    Sự thực là trên núi ấy có một vùng sâu bên trong rừng, tồn tại một thứ cây lá cành rất rậm rạp. Giống cây này mùa hạ nở hoa màu trắng hay lục non. Rể cây tròn to và rất dài như một cánh tay người lớn.

    Khi đoàn quân bị vây chẳng bao lâu, thấy hết lương thực, binh lính đã bắt đầu đói khổ. Các Tướng đang phân vân không biết nên quyết đấu đến chết, hay đầu hàng để sống. Một hôm có một binh sĩ đói quá, đào một thứ củ trong rừng lên ăn, thấy ngon lành dễ nuốt. Thế là vấn đề lương thực cho cả đoàn quân được giải quyết. Người ăn củ, ngựa ăn cành lá, đợi ngày phản công.

    Thắng trận rồi, mấy hôm sau nước yếu cử hành lễ ăn mừng thắng trận. Tất cả các tướng sĩ đều nói: “Chúng ta thắng trận, công đầu phải là nhờ núi rừng. Nếu không có quà tặng của núi rừng ban cho thì chúng ta đã chết đói rồi; mà cả đến chiến mã cũng phải thành lương thực. Chính cái lộc của núi rừng này đã đem chiến thắng phục quốc lại cho chúng ta”.

    Cây hoài sơn. Ảnh: internet

    Đoàn quân muốn kỷ niệm thứ củ cứu mạng ấy vĩnh viễn không quên ơn, nên đặt tên là Sơn Ngẫu. Có nghĩa là ngẫu nhiên gặp được trên núi lúc tính mệnh bị nguy nan.

    Từ đó, dân chúng bèn đào củ ấy làm lương thực. Sau khi ăn lâu ngày người ta cảm thấy ngoài no bụng, còn bổ dưỡng thêm như kiện Tỳ, hòa Vị, bổ Thận, bổ Phế. Rồi không biết từ lúc nào, những người Tạng Tỳ suy nhược, hay bị chứng Lị đều nhờ ăn Sơn Ngẫu mà lành.

    Sơn Ngẫu đã từ món ăn biến thành dược thảo. Rồi cũng không biết từ bao giờ, và vị Y Sư nào đã gọi Sơn Ngẫu là Sơn Chi Dược, nghĩa là Thuốc Núi ( Sơn Dược), rồi thành tên cho đến bây giờ.

    Theo Trung y, Tạng Tỳ là bộ phận quan trọng, chủ vận hóa chuyển thức ăn thành tinh chất; tinh chuyển thành huyết đi nuôi dưỡng cơ thể, tỳ thống huyết. Vì thế phải chú ý đến công năng của Tạng Tỳ, Sơn Dược là món ăn bổ dưỡng tốt cho Tạng Tỳ. Trong thực đơn hàng ngày, tên Hoài Sơn thông dụng hơn.

    Theo nguyenkynam.com

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU