• Thông tin hữu ích

    Giải cứu hay giải pháp cho nông sản Việt?
    Chủ nhật, 09:49 Ngày 06/03/2022

    Đợt dịch COVID- 19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào “giải cứu” nông sản, nhưng có lẽ người nông dân cần là một giải pháp bền vững cho thị trường này.

    Điệp khúc quen thuộc

    Những ngày này, về huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím (xuất khẩu) ở đây đã xuống giá ở mức kỷ lục chỉ còn khoảng 650 đồng/kg, với mức giá này, người nông dân trồng khoai thua lỗ nặng nề.

    Nỗi xót xa của người trồng khoai ở huyện Bình Tân càng nhân lên gấp bội khi họ phải chứng kiến những ruộng khoai đã quá kỳ thu hoạch, nhưng đồng ruộng vẫn vắng bóng người, các chủ ruộng để mặc khoai ngoài đồng vì có thu hoạch lại mất thêm tiền công thuê người.

    Gia đình anh Nguyễn Văn Tấn ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân vụ này trồng 15 công khoai lang tím Nhật loại xuất khẩu, mỗi công ruộng tương đương với 1000 mét vuông. Với giá bán hiện tại 40.000 đồng/tạ (60 kg) thì gia đình anh thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

    Nhìn cánh đồng khoai của nhà mình đang đến kỳ thu hoạch, anh Tấn buồn rầu cho biết, gia đình anh đã phải tích góp ba bốn năm trước chút vốn liếng, dồn cả cho vụ khoai lang này, nhưng giờ thì đã mất hết.  “Mỗi công đất của nhà thì lỗ tầm từ 15 triệu đến17 triệu đồng, còn đất đi thuê để trồng khoai chi phí hết 20 triệu đồng. Giá bán hiện tại tính ra chưa tới 700 đồng/kg, bán xong chỉ đủ trả tiền công dỡ thôi, còn vốn là mất trắng. Vụ tới tôi cũng chưa biết làm sao”, anh Tấn ngao ngán.

    Anh Đàm Văn Bảy ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết, anh đã theo nghề sản xuất khoai lang này từ nhiều năm nay. Mỗi năm, anh sản xuất 5 công khoai, trong đó, 3 công anh thuê đất của người khác để trồng. Với nghề này, anh Bảy đã có tiền nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, với giá khoai như hiện nay anh Bảy sẽ không có để trả tiền thuê đất trồng khoai.

    Còn anh Lê Vũ Lực ở ấp Thành Thọ, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân than thở, hơn 10 năm nay anh theo nghề trồng khoai xuất khẩu, hầu như năm nào cũng có lãi. Thi thoảng có năm hòa vốn, nhưng năm nay giá thị trường thấp hơn giá sản xuất, nên trồng khoai càng nhiều càng lỗ. Anh Lực chia sẻ, nếu lỗ nhiều, tôi bỏ khoai luôn vì bán không được, càng ngày càng lỗ. Tôi sẽ đổi cây trồng sang trồng lúa chứ không theo khoai nữa.

    "Giải cứu" khoai  lang ở huyện Bình Tân. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

    Nhiều hộ trồng khoai ở huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho hay, mấy năm trước giá khoai cũng có giảm, tuy nhiên vẫn còn được 80.000 đồng đến 100.000/tạ, với giá này cũng còn gỡ gạc chút ít vốn. Với giá khoai chạm đáy, có hộ đã quyết định dỡ khoai mang làm từ thiện và thuê máy cày, máy xới làm đất lại, chẳng những mất vốn mà còn tốn thêm tiền làm đất. Bởi nếu để khoai quá lứa không thu hoạch hết sẽ gây ô nhiễm, không thể sản xuất vụ mùa mới.

    Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Khoai lang Thanh Ngọc, tỉnh Vĩnh Long cho biết, Hợp tác xã mua với giá 60.000 đồng/tạ, có thời điểm bán được 5.000 đồng/kg thì mua được 90.000đồng/tạ. Như thương lái hiện giờ chỉ mua khoảng 40.000 đồng/tạ trở lại. Nhưng họ cũng chỉ mua chỗ nào thu hoạch được 70 tạ đến 80 tạ/1 công. Tiền công thu hoạch mỗi công 3 triệu, chưa tính tiền vận chuyển, bốc xếp về kho thành ra lỗ đủ thứ.

    Anh Huỳnh Ngọc Có, một chủ thu mua khoai xuất khẩu ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho hay, hầu hết sản lượng khoai ở huyện Bình Tân là do doanh nghiệp của anh thu mua xuất khẩu. Nhưng do không xuất khẩu được, lượng khoai trong kho của anh đang tồn đọng rất nhiều, các công nhân cũng không có việc làm.

    Vĩnh Long được xem là thủ phủ khoai lang của Ðồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 13.000-15.000 ha mỗi năm. Trong đó, huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh đóng vai trò chủ lực. Những năm được mùa, được giá thì khoai lang xuất khẩu đã giúp rất nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc phát triển nghề trồng khoai còn kéo theo giải quyết việc làm cho nhiều lao động như cuốc khoai, trồng khoai, chăm sóc, thu hoạch…Tuy nhiên, hạn chế tồn tại lâu nay vẫn là khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng ùn ứ khi vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ðặc biệt là diện tích khoai lang xuất khẩu được mở rộng nhiều nơi, nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên dễ gặp rủi ro.

    Cũng tại tỉnh Vĩnh Long, mới đây, người nông dân lao đao vì trái xoài Đài Loan rớt giá, có thời điểm trái xoài Đài Loan loại I giá 2.000 đ/kg (bán tại vựa) trong khi cùng kỳ năm trước từ 5.000 đ/kg đến 7.000 đ/kg. Theo nhiều tiểu thương thu mua xoài ở huyện Long Hồ, do các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc xuất khẩu nên giá xoài Đài Loan liên tục giảm. Các hộ trồng xoài tại cho biết, do giá xoài xuống thấp và không có thương lái tới mua, nên nhà vườn phải tốn thêm chi phí thuê vận chuyển đến các vựa trái cây tận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để bán.

    Gia đình ông Lê Văn Thơm, ấp Hòa Thạnh, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ cho hay, đây là năm thứ 2 vườn xoài của gia đình ông cho trái. Theo ông Thơm, ông vừa chở xoài qua xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để bán, với giá xoài loại I là 2.000 đ/kg, xoài loại II là 1.000 đ/kg. Bán hơn 2 tấn xoài chỉ được 2,5 triệu đồng, trong khi tiền thuê xe hết 700.000 đồng. Có thể thấy vụ xoài này, những người trồng xoài ở Long Hồ gần như thua lỗ hết, chi phí đầu tư, công chăm sóc bỏ ra nhiều mà giá quá rẻ.

    Hiện nay, tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhiều loại cây ăn trái khác cũng đang rớt giá. Trong đó, mít Thái chỉ còn 4.000 đồng đến 5.000 đ/kg, khi những năm trước giá bán bình quân 25.000 đ/kg, có khi lên đến 50.000đ/kg. Giá thanh long ruột đỏ, hiện còn 6.000 đồng đến 7.000đ/kg, trong khi những năm trước có khi lên đến 40.000 đồng đến 50.000đ/kg…và câu chuyện của tỉnh Vĩnh Long ở trên cũng không khác là mấy so với các địa phương cả nước về điệp khúc “Được mùa rớt giá- được giá hết mùa” của người nông dân.

    Vì sao nông sản giá thấp và hay rớt giá?

    Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, sản lượng nông sản trên thế giới tăng đã làm cho mức cung vượt cầu, trước kia thị trường nông sản Việt Nam rất bình ổn. Tuy nhiên thời gian gần đây nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản các nước khác cả về chất lượng cũng như uy tín. Cũng theo Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, nông nghiệp Việt Nam hiện áp dụng còn ở mức khiêm tốn về các công nghệ tiên tiến trên thế giới cho trồng trọt, chế biến và sản xuất nông sản. Đồng thời, "chi phí sản xuất vẫn còn cao" do nền nông nghiệp chưa được công nghiệp hóa. Tức là nền nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông dân với qui mô hoạt động nhỏ. Mặc dù các cấp, các ngành có rất nhiều đề án, hội thảo về vấn đề này, nhưng thực sự chưa có giải pháp hiệu quả. Đây là một bài toán cần có lời giải.

    Có thể thấy, để lý giải bài toán này thì đòi hỏi nền nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện liên hoàn các quá trình gồm nhiều khâu, đó là từ khâu chọn giống, sản xuất, tiêu thụ, đến khâu chế biến. Các khâu có tác động hỗ trợ với nhau mà mục đích cuối cùng là làm tăng giá trị gia tăng, chứ không chỉ đơn thuần chỉ quan tâm trên thị trường đầu ra. Bởi thị trường đầu ra là kết quả cuối cùng của tổng hợp tất cả các yếu tố. Trong khi đó Việt Nam chưa tìm được thị trường đầu ra, Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân chia sẻ.

    Theo các chuyên gia kinh tế, chất lượng hàng hóa ở nước ta chưa được đảm bảo, đặc biệt là hàng nông sản. Hiện nay, nước ta chỉ mới đáp ứng được thị trường “dễ tính”, còn thị trường chất lượng cao thì chưa thực hiện được. Hiện nay, nhiều nông dân làm theo phong trào, không kí kết hợp đồng với doanh nghiệp, không kết hợp với Nhà nước. Mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ thì chưa được làm một cách đồng bộ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới. Do đó, nông sản nước ta đang gặp thách thức lớn.

    Đa số nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu và giá trị thấp. (Ảnh: K.V) 

    Đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên cho giá trị thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Mặc dù trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế gới. Tuy nhiên, đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên cho giá trị thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

    Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản…

    Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho biết, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Bên cạnh đó, đến nay mới chỉ có một số sản phẩm nông sản Việt có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu như: ở cấp quốc gia hiện có CheViet, Gạo Việt Nam; ở cấp địa phương và doanh nghiệp, đối với trái cây có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh)…; đối với gạo có gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng thơm chợ Đào (nhãn hiệu tập thể, Long An)…; đối với cà phê có cà phê Buôn Ma Thuột; đối với hồ tiêu có hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị; đối với hạt điều có hạt điều Bình Phước…

    Còn lại, hầu hết nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, thậm chí, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.

    Giải pháp hay giải cứu?

    Câu chuyện giải cứu nông sản lại nóng lên, khi tỉnh Bắc Giang hiện đang vào mùa thu hoạch vải đã bị bùng phát dịch COVID-19. Mặc dù gặp rất nhiều  khó khăn trong tiêu thụ vải, nhưng tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự... khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nếu còn giải cứu sẽ làm tổn thương ngành nông nghiệp, tổn thương người nông dân.

    Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nông dân làm ra hàng hóa nông sản, từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận khác.

    Việc dùng từ "giải cứu" đã dẫn đến hiệu ứng ngược, khi giá cả nông sản lại bị giảm xuống. Mặt khác, việc tổ chức mua bán nông sản tại các điểm giải cứu tự phát ở vỉa hè cũng xuất hiện nhiều bất cập như lượng người đến mua bán tại một thời điểm quá đông, không đảm bảo khoảng cách giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, có một số người lợi dụng các điểm giải cứu để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ. Việc dùng từ giải cứu hay cách giải cứu như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá lại.

    Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng ý tưởng và họp bàn, mời 3 đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung- cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.

    Và như thế, rất cần nhiều mô hình kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản một cách tự nguyện, nhưng hướng tới những mô hình đó phải được chuẩn hóa để vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu nông sản, nhất là trong dịch bệnh sẽ có những hệ lụy khó lường.

    Làm tốt việc phát triển thị trường trong nước, hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài
    cũng được nâng cao. (Ảnh: K.V) 

    Từ thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn. Nói cách khác, người tiêu dùng không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con mà là mua vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình vì được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

    Trong kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Theo đó, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các tập đoàn bán lẻ lớn như Masan, Central Group,... đưa nông sản Việt ra thị trường nội địa. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội Tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bởi trước đây nói bán lẻ là chung cho tất cả các mặt hàng, lần này sẽ tách ra một nhánh riêng cho nông sản.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu đầu cung với quy mô sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu đầu cung, từ đó có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn.

    Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, quyết tâm không để tình trạng thu hoạch xong mới tìm bán mà ngay từ đầu vụ các địa phương đã cung cấp cho Bộ về kế hoạch sản xuất, dự kiến sản lượng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyển dữ liệu đó cho Hiệp hội để cùng phân tích lên phương án tiêu thụ.

    Giải pháp căn cơ cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm tiếp theo, đó là một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, dùng chuyển đổi số để minh bạch các dữ liệu đầu cung chuyển sang cho đầu cầu, kết nối cung - cầu về sản lượng, yêu cầu thị trường. Vì chỉ khi kết nối được cung - cầu, minh bạch, chuẩn hóa về chất lượng thông qua chứng nhận của cơ quan chức năng thì xã hội sẽ vào cuộc, kích hoạt thị trường phân phối.

    Nếu làm tốt việc phát triển thị trường trong nước thì hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài cũng được nâng cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài.

    “Khi người tiêu dùng còn dễ dãi với những sản phẩm giải cứu thì người sản xuất cũng sẽ sản xuất dễ dãi, chỉ khi có quy chuẩn và được minh bạch, nền nông nghiệp mới vận hành theo đúng quy luật của cung - cầu. Dù đây là việc cần có quá trình nhưng với sự tham gia của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, tôi tin, điều đó sẽ sớm thành hiện thực” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

    Theo chuyên gia kinh tế tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, chúng ta cũng cần phải có kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp cho cả đất nước. Việc này nằm trong tầm vĩ mô nên ngành nông nghiệp phải được công nghệ hóa bằng cách sản xuất và chế biến phải có phải quy hoạch, đưa ngành nông nghiệp vào phát triển mới với công nghệ tiên tiến của thế giới. Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, nông sản nước ta cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường thế giới mang tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả và cách phục vụ khách hàng trên thế giới. Ngoài ra, cần phải kết hợp 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, đó mới là điều quan trọng.

    “Ở Nhật, hàng tiêu dùng nội địa luôn được ưu tiên xong mới đến hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, nói đến hàng nội địa người Nhật rất yên tâm về hàng tiêu dùng trong nước. Trong khi đó ở Việt Nam, những "trái ngon" thì đưa đi xuất khẩu”- Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân cho hay.

    Theo các chuyên gia kinh tế, người nông dân với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là phải biết hợp tác, biết áp dụng hoàn toàn công nghệ 100% tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, biết tiếp cận thị trường, và tự tin như nông dân thế giới. Nếu thiếu bốn yếu tố trên, thì mặc dù người nông dân làm chủ mảnh ruộng miếng vườn của mình nhưng lại không quyết định được thị trường. Do đó, hàng hóa nông sản làm ra không quyết định được giá cả mà vẫn trông chờ may rủi của thị trường.

    Chính vì vậy, hàng nông sản Việt Nam cần có giải pháp lâu dài chứ không phải hằng năm phải "giải cứu", để thị trường nông sản phát triển bền vững hơn. Đó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tránh được tổn thất rớt giá, mang đến tâm lý chán nản cho người nông dân./.

    K.V

    Nguồn: Báo Dangcongsan

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU