• Thông tin hữu ích

    Gia Lai: Thấy thương lái ép giá, bực quá, liền chế cà phê sạch kiểu "làm tất ăn cả", thu 1 tỷ/năm
    Thứ ba, 21:14 Ngày 28/07/2020

    Thường bị thương lái ép giá, bực quá, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (Gia Lai) mạnh dạn sử dụng 5ha đất để đi theo con đường làm cà phê sạch từ trồng trọt, thu hái, sơ chế, bảo quản, rang xay, đóng gói và đưa ra thị trường. Nhờ vậy, vợ chồng chị Xuân đã có cơ ngơi khang trang, mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.

    Liều lĩnh bỏ 2 tỷ đồng làm cà phê sạch

    Sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú tại thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) từng chứng kiến cảnh người dân trồng cà phê canh tác vất vả, nhưng đến mùa thu hoạch chủ yếu bán nhân xanh và thường bị thương lái ép giá. 

    Bên cạnh đó, vấn nạn cà phê tẩm hóa chất, cà phê pha trộn đang tràn lan trên thị trường còn cà phê sạch thì bị lép vế. Từ đó đã thôi thúc vợ chồng chị Xuân phải làm một điều gì đó để lấy lại giá trị cho cà phê Việt.

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 1.

    Để phần nào lấy lại thương hiệu cho dòng cà phê Việt, hai vợ chồng chị Xuân đã theo con đường làm cà phê sạch

    Dẫn chúng tôi ra vườn cà phê 5ha được trồng theo phương pháp hữu cơ (cà phê sạch), chị Xuân kể lại: "Thời gian trước tôi và chồng cũng trồng cà phê thu hái bán tươi, nhân thô như những hộ dân khác nhưng cứ theo điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thêm việc thường xuyên bị ép giá… nên tôi đã bàn với chồng mạnh dạn đi theo con đường làm cà phê sạch, sạch từ khâu trồng trọt, thu hái, chế biến…".

    Theo chị Xuân, muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu đầu vào phải tốt, cà phê ngon trước hết phải sạch. Ngay khi có ý tưởng hai vợ chồng bắt đầu vay ngân hàng từ mấy trăm triệu, giờ đã lên đến 2 tỷ rồi. Khi trồng cà phê sạch rất nhiều công cán, bởi lẽ không được sử dụng thuốc cỏ mà phải thuê công làm, rồi tiền bón phân công thu hái...

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 2.

    Những hạt cà phê sạch từ trồng trọt đến thu hái, chế biến, rang xay

    Với 5ha cà phê, gia đình chị Xuân đã đầu tư canh tác theo hướng cà phê sạch bởi lẽ khi xây dựng thương hiệu cà phê nguyên chất phải hướng đến chất lượng là quan trọng nhất. Từ quá trình chăm sóc, cải tạo đất, không lạm dụng hóa chất kết hợp tuân thủ quy trình sử dụng phân bón vi sinh, NPK, bã cà phê lên men…đã mang lại kết quả tích cực cho vườn cà phê của chị ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội.

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 3.

    Với 5ha cà phê sạch gia đình chị Xuân đã mất một nửa doanh thu trả công cán

    Chú trọng chất lượng cho cà phê sạch

    Chia sẻ với chúng tôi về việc thu hái, chế biến hạt cà phê, chị Xuân tỉ mỉ hướng dẫn: "Đến mùa thu hái, chỉ hái quả chín không hái quả xanh. Trong vòng 24h phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân, cho vào máy bóc vỏ thịt chỉ lấy nhân đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản. 

    Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, khâu chế biến cực kỳ quan trọng. Tôi sử dụng phương pháp chế biến bán ướt, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 85% trở lên. Bằng phương pháp này, các loại quả khô, hư sẽ nổi lên trên mặt nước, các loại quả xanh, chín sẽ do máy tự sàng lọc, như vậy sẽ giữ được hương vị tươi mới, đồng nhất, đầy đặn của cà phê".

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 4.

    Sau khi sàng lọc bằng máy, chị Xuân phải thuê người phải nhặt lại bằng tay để đảm bảo loại bỏ được 100% hạt kém chất lượng

    Cũng theo chị Xuân, mỗi năm vườn cà phê 5ha của anh chị đạt 20 tấn trong đó có 17 tấn dùng để chế biến, rang xay, đóng gói đưa ra thị trường còn 3 tấn còn lại bán nhân xô. Hiện vườn cà phê sạch của chị Xuân đã canh tác được hơn 10 năm. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình xuất ra thị trường 7 tạ cà phê bột, có mức giá từ 150.000 – 300.000 đồng/kg.

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 5.

    Những bao cà phê sau khi đã được sàng qua máy và nhặt lại bằng tay

    "Cũng nhờ mạnh dạn đi theo con đường làm cà phê sạch mà thu nhập của gia đình đã cải thiện đáng kể từ 100 triệu đồng/năm lên hơn 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí công cán, phân bón, chi phí rang xay đóng gói hiện gia đình thu về khoảng 1 tỷ/năm", chị Xuân vui mừng nói.

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 6.

    Sau khi vườn cà phê sạch 5ha có sản phẩm là những bao cà phê đã xay nhân, gia đình chị Xuân đã đầu tư máy rang xay

    Để có được cơ ngơi khang trang và thương hiệu cà phê sạch như hiện nay, vợ chồng chị Xuân đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo chị Xuân, khó khăn lớn nhất khi đi theo con đường làm cà phê sạch chính là phải cạnh tranh với các dòng "cà phê bẩn", giá thành thấp, chạy theo lợi nhận mà chấp nhận bán cho người tiêu dùng.

     "Cũng là cà phê nhưng người mua để kinh doanh sẽ lựa chọn những dòng cà phê bẩn giá rẻ như vậy những người làm cà phê sạch như chúng tôi sẽ bị lép vế, lỗ nặng. Tuy nhiên, khi đã thấy tận mắt cách làm của chúng tôi khá nhiều khách hàng đã tin tưởng. Hiện tôi đã có hai cơ sở ở TP.Pleiku (Gia Lai) và ở Đà Nẵng, thời gian tới hai vợ chồng sẽ mở rộng", chị Xuân cho hay.

    Đôi vợ chồng nông dân mày mò làm cà phê sạch từ A đến Z - Ảnh 7.

    Sản phẩm của đôi vợ chồng trẻ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao

    Trần Hiền
    Nguồn: Dân Việt

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU