• Thông tin hữu ích

    Gạo nếp gạo tẻ mang về cho Việt Nam 2,2 tỷ USD
    Thứ năm, 22:59 Ngày 04/10/2018
    Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 8 năm 2018 ước đạt 441.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2018 ước đạt 4,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
     
    Giá gạo xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 được đánh giá là cao hơn cùng kỳ năm 2017 (giá bình quân 7 tháng là 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017). Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng năm 2018 với 24,7% thị phần. Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng năm 2018 chỉ đạt 927.000 tấn với kim ngạch 491 triệu USD , giảm 32,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

     
    Xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2018 tăng trưởng đáng kể. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
     
    Bảy tháng năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (tăng 67,5 lần so với cùng kỳ năm 2017), Irắc (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017), Philippine (tăng gấp 2 lần), Hồng Kông (tăng 61,3%), Malaysia (tăng 39,4%), Bờ Biển Ngà (33,5%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (11%).
     
    Trong tháng 7, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ, đạt trung bình 395 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng trước, thấp hơn giá trung bình gạo cùng loại của Thái Lan (404 USD/ tấn) và Ấn Độ (398 USD/ tấn).
     
    Về chủng loại gạo xuất khẩu, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo Jasmine, gạo Japonica và gạo tấm trong tháng 7 tăng mạnh. Trong đó, gạo thơm, gạo Jasmine chiếm 39,7% tổng gạo xuất khẩu, đạt kim ngạch 92,6 triệu USD, tăng 27% so với tháng trước, tăng mạnh ở các thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana. Kim ngạch xuất khẩu gạo Japonica đạt 15,6 triệu USD, tăng 66,6%, các thị trường chính là Papua New Guinea và Hàn Quốc.
     
    Trong khi đó, xuất khẩu gạo nếp tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7, chỉ đạt kim ngạch 9,8 triệu USD (giảm 50% so với tháng 6) do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Trong tháng 7/2018, xuất khẩu các loại gạo trắng 15% tấm và 25% tấm sang các thị trường Indonesia, Philippines và Trung Quốc giảm do nhu cầu nhập khẩu giảm. Xuất khẩu gạo trắng 5% tấm vẫn ổn định.
     
    Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng do nhu cầu nhâp khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng lên.
     
    Giá gạo cũng tương đối ổn định. Ảnh: I.T.
     
    Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 – 800.000 tấn từ này đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước; các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp ĐBSCL để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của nước này.
     
     Indonesia và các nước châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu trong các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ, Hàn Quốc cũng mở thầu mua thêm 92.783 tấn gạo lứt hạt trung và dài vào ngày 3/9/2018, giao hàng từ 30/11 đến 31/12/2018.
     
    Ngoài ra, sản lượng lúa của Campuchia sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7 vừa qua có thể khiến xuất khẩu gạo của Campuchia trong các tháng tới giảm sút. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cao cấp của Việt Nam tiếp cận các thị trường nhập khẩu truyền thống của Campuchia như Trung Quốc, châu Âu để cung cấp nguồn thay thế.
     
    Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
     
    Cụ thể, Nghị định 107 đã nới lỏng các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo; với gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng xuất khẩu không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông.
     
    Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu thị trường thuận lợi, sản lượng xuất khẩu các loại gạo nếp, gạo tẻ của Việt Nam có thể đạt 6 – 6,5 triệu tấn trong năm 2018.
     

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU