• Thông tin hữu ích

    Chuyện về cây cà phê ở Ba Vì (Bài 1): Người đầu tiên trồng cà phê trên núi Ba Vì
    Chủ nhật, 21:45 Ngày 20/02/2022

    Theo tài liệu lưu trữ trong nước thì cây cà phê được các nhà truyền giáo người Pháp mang vào VN từ năm 1857 và trồng thử nghiệm tại các giáo xứ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Sau đó lan sang Quảng Trị, Quảng Bình, các tỉnh phía Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cuối cùng, Tây Nguyên được cho là nơi thích hợp nhất để trồng loại cây này.

    Hai giống cà phê Arabica và Robusta

    Nhưng trong một tài liệu khác của người Pháp, cây cà phê đầu tiên được du nhập vào Bắc Bộ năm 1887 và trồng thử nghiệm trên núi Ba Vì.

    Hào hứng với hành trình khám phá mới

    Nói về nguồn gốc cây cà phê tại VN, nhiều tài liệu khẳng định, năm 1857 Arabica (Coffea arabica) là giống cà phê đầu tiên được du nhập và đến năm 1908, người Pháp mang thêm hai loại khác là Robusta (Coffea canephora) vào nước ta. Không dừng ở đó, họ đã thử nghiệm trồng thêm nhiều giống khác nhau tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, một tài liệu bằng tiếng Pháp thì lại nói người đầu tiên mang cây cà phê vào Bắc Bộ là Nhà thực vật học nổi tiếng Benjamin Balansa theo yêu cầu của Paul Bert, Thống sứ Bắc Kỳ (1886).

    Benjamin Balansa (1825- 1891) từng là chủ biên tờ Moniteur Universel. Từ năm 1847, ông bắt đầu hành trình tìm kiếm, sưu tầm các loài thực vật lạ. Benjamin Balansa đã công bố khoảng 40 bài trên các tạp chí khoa học của Pháp thời đó như: Société Botanique de France, Société de Géographie commer­ciale, Société d’Histoire naturelle de Toulouse và là người cung cấp 20.000 đến 25.000 mẫu cây trên thế giới cho Bảo tàng Paris. Cuối năm 1885, Benjamin Balansa được giới thiệu với ông Paul Bert, một chính trị gia nổi tiếng của Pháp, đồng thời là Giáo sư sinh lý học có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu khoa học. Paul Bert đang tìm kiếm một nhà thực vật học sang Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm thực vật tại dãy núi Ba Vì.

    Đầu năm 1886, Paul Bert được bổ nhiệm làm Thống sứ Bắc Kỳ. Một hợp đồng thỏa thuận lập tức được ký kết với Bảo tàng nơi Benjamin Balansa đang làm việc để ông tháp tùng Paul Bert sang Việt Nam. Lúc này, Balansa đã 61 tuổi nhưng ông vẫn rất hào hứng với hành trình khám phá mới.

    Con tàu đưa Balansa đến Việt Nam cập bến Hải Phòng vào tháng 4.1886. Trong 2 tháng đầu tiên trên miền đất mới, Balansa đã thực hiện các chuyến khảo sát tại Vịnh Hạ Long, sông Đà và ngoại ô Hà Nội. Khi đến núi Ba Vì, ông lập tức bị quyến rũ bởi sự hoang sơ, thanh khiết và thảm thực vật phong phú nơi đây. Tuy nhiên, công việc sưu tầm thực vật tại núi Ba Vì vừa khởi động đã phải tạm dừng. Thống sứ Paul Bert yêu cầu Balansa đến đảo Java nghiên cứu việc trồng cây cà phê và một số giống cây mới rồi mang những loại cây này về Việt Nam trồng thử nghiệm.

    Nhà thực vật học Benjamin Balansa (1825-1891)

    Một nhà khoa học giản dị và khiêm nhường

    Đến Java, Balansa đã đi thăm một số vùng trồng trọt, canh tác, gặp gỡ những người nông dân, nghiên cứu cách trồng cây cà phê, cây quinquinas và chọn những cây non, những hạt giống tốt nhất mang về Việt Nam. Cuối năm 1886, Balansa quay trở lại Đông Dương thì Paul Bert đã chết vì bệnh lỵ. Quá sốc trước tin dữ nhưng Balansa vẫn không bỏ cuộc, kế hoạch trồng thử nghiệm các loại cây mới này vẫn được thực hiện tại núi Ba Vì. Cà phê được trồng ở khu vực chân núi đến độ cao 500m, bên bờ sông Đà, nơi có người Dao đang sinh sống. Để tiện cho việc giám sát, chăm sóc cây, Balansa đã cho dựng một ngôi nhà ở khu vực trồng cà phê và dọn đến ở ngay tại đó. Theo đánh giá của Balansa, so với đảo Java, Ba Vì là vùng đất rất thanh khiết và phì nhiêu hơn, rất thích hợp với cây cà phê. Việc trồng thử nghiệm đem lại kết quả ngoài mong đợi. Từ những hạt giống, cây non Balansa mang về từ đảo Java, cây cà phê đã sinh trưởng mạnh mẽ tại vùng đất này, đặc biệt trong giai đoạn anh em ông Marius Borel khai thác đồn điền tại đây.

    Balansa đã quay về Pháp năm 1888, sau đó ông tiếp tục trở lại VN với công việc sưu tầm thực vật. Ngày 16.10.1891, ông viết thư gửi về Pháp cho vợ: “Hôm qua anh đến Văn Yên (Yên Bái) sau 3 ngày đi bộ trong rừng. Anh mệt đến nỗi buộc phải ngồi cáng. Đây là lần đầu tiên anh phải làm như vậy trong các chuyến thám hiểm từ trước đến nay. Do thông tin không chính xác từ Hà Nội, anh thiếu thốn đủ thứ, kể cả những thứ tối thiểu. Ở đây ít người sinh sống nhưng phong cảnh tuyệt vời, người dân rất mến khách. Bọn anh di chuyển với sự an toàn cao nhất. Khoảng 15 ngày nữa anh sẽ về đến Hà Nội, sau đó sẽ ấn định ngày về Pháp”.

    Tuy nhiên, khi về đến Hà Nội, Balansa đã đổ gục và mất ngày 18.11.1891. Qua những bức thư được nhiều báo Pháp công bố, Balansa là người đầu tiên đưa cây cà phê vào Bắc Bộ, trồng thử nghiệm trên núi Ba Vì. Cũng theo nhận định của giới khoa học Pháp, tại Bắc Kỳ (Việt Nam), Balansa đã để lại hình ảnh về một nhà thám hiểm không mệt mỏi, một nhà khoa học giản dị và khiêm nhường.

    Trong cuộc đời của mình, Balansa đã sưu tầm tới hơn 25.000 mẫu thực vật; riêng tại Việt Nam, chủ yếu ở vùng núi Ba Vì, ông đã sưu tầm được 5.600 mẫu. Các mẫu thực vật này đã được ông gửi về Bảo tàng Paris, trong số đó, loài nào có 2 bản đều được gửi về các bộ sưu tập của châu Âu.

    Bài 2: Điền chủ Marius Borel “phất lên” từ cà phê ở Ba Vì

     CHU THU HẰNG

    Nguồn: Baovanhoa

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU