• Thông tin hữu ích

    BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI TRONG CANH TÁC LÚA HỮU CƠ
    Thứ năm, 08:45 Ngày 14/02/2019

    Trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của sâu bệnh hại trên lúa, nhiều người đã không lường trước hậu quả mà sử dụng một cách vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học đang được bán tràn lan trên thị trường. Phương pháp này tuy mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng chỉ có tính nhất thời, vì các loài sinh vật gây hại có xu hướng kháng thuốc sau một thời gian sử dụng rất nhanh. Chưa kể, việc lạm dụng thuốc hóa học sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, rộng hơn là cả một hệ sinh thái tự nhiên. Không chỉ thế, chính bản thân người phun thuốc cũng sẽ bị đe dọa đến sức khỏe thông qua việc tiếp xúc với thuốc. Việc tồn dư hóa chất vào nông sản gạo sẽ là mối nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà trên thực tế biết đâu đó chính lại là những người thân, người bạn của chúng ta. Chính vì lẽ đó, nông nghiệp hữu cơ nói chung và canh tác lúa hữu cơ nói riêng đang dần được chú trọng và phát triển nhằm mục đích nâng cao giá trị nông sản Việt, vì một nền nông nghiệp bền vững và lành mạnh hơn. Vậy làm thế nào để nhận biết và phòng trừ một số sâu bệnh hại phổ biến trên lúa hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn? Để giải đáp cho câu hỏi này, mời bà con xem một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa theo hướng hữu cơ dưới đây.

    A. PHÒNG TRỪ SÂU HẠI:

    I. RẦY NÂU:

    Rầy nâu tập trung ở gốc lúa, quanh bẹ lúa (nơi gần mặt nước) hoặc trên lá (khi mật số rầy cao). Rầy nâu ưa điều kiện khí hậu nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ. Thời điểm gây hại nặng nhất là giai đoạn lúa trổ xong, giai đoạn ngậm sữa và bắt đầu chín. Ngoài ra, đây còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa.

    Biện pháp phòng trị:

    • Chọn giống kháng rầy nâu.
    • Nên gieo trồng lúa với mật độ thích hợp (không trên 120 kg lúa giống/ha).
    • Bảo vệ các loài thiên địch của rầy nâu như bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ rùa, nhện,…
    • Phun một số loại nấm đối kháng như nấm xanh Metarhizium anisopliae, nấm trắng Beauveria bassiana.

    II. BỌ TRĨ:

    Bọ trĩ chỉ xuất hiện ở giai đoạn mạ và lúa non, thường phát triển và gây hại khi ruộng lúa nắng hạn hoặc khô nước. Thời điểm bọ trĩ xuất hiện nhiều là trong vụ hè thu, nhất là thời điểm hạn Bà Chằn.

     

    Biện pháp phòng trị:

    • Vệ sinh ruộng sạch sẽ, làm sạch cỏ dại và tàn dư thực vật còn sót lại trong ruộng. Diệt trừ tất cả cỏ môi trên ruộng vì đây là cây kí chủ chính của bọ trĩ.
    • Không gieo sạ với mật độ dày.
    • Không để ruộng khô hạn trong thời gian dài. Nếu bọ trĩ xuất hiện nhiều thì cho nước ngập ruộng trong 24 giờ rồi tháo nước ra.
    • Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.
    • Sử dụng thuốc sinh học như Rotecid 2SL, Rinup 50EC, Limater 7,5EC, Altivi 0,3EC, Bio Azadi 0,3SL, Bopy 14EC, Nixatop 3.0CS, ...

    III. SÂU CUỐN LÁ NHỎ:

    Gây hại trên cây lúa từ giai đoạn đẻ nhánh đến giai đoạn ngậm sữa, đặc biệt nghiêm trọng ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng. Điều kiện phát sinh mạnh của sâu cuốn lá là khí hậu mát mẻ, ẩm độ cao và mưa năng xen kẽ. 

    Biện pháp phòng trị:

    • Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ và diệt trừ cỏ dại. Có thể sử dụng bẫy đèn diệt bướm để trừ sâu.
    • Trồng các loại hoa như sao nhái, xuyến chi,… để thu hút thiên địch của sâu.
    • Dùng thuốc thảo mộc: TT-Anonin 1EC (hoạt chất Annonin trong các cây họ Na); Bopy 14EC, Nixatop 3.0CS (cây họ cúc).

    IV. SÂU ĐỤC THÂN BƯỚM HAI CHẤM: 

    Gây hại trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa, thích hợp với điều kiện ấm, nóng và ẩm độ cao.

    Biện pháp phòng trị:

    • Dùng giống chống chịu. Bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp.
    • Cày lật gốc rạ, phơi ải hoặc ngâm nước sau khi thu hoạch để diệt nhộng.
    • Ngắt ổ trứng, bẫy đèn bắt bướm đồng loạt.
    • Dùng thuốc thảo mộc: Nixatop 3.0CS, Matives 1.5EW,…

    V. NHỆN GIÉ:

    Nhện gié gây hại cho lúa quanh năm, nhiều nhất là vụ hè thu khi thời tiết nắng nóng và khô hạn. Trên cây lúa, chúng gây hại trong mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa đều có thể bị chích hút. Khi chúng chích hút nhựa cây sẽ để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá.

    • Giai đoạn cây còn nhỏ: chích hút bên ngoài bẹ hoặc vị trí tiếp giáp giữa bẹ và thân cây. Lúc đầu vết bệnh có màu trắng vàng, sau lan rộng như vết cạo gió màu nâu hoặc nâu đen.
    • Giai đoạn làm đòng: đục bên trong và sống ở khoang mô bẹ lá và gân lá, tạo thành nhiều sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá làm lá có màu thâm đen.
    • Giai đoạn trổ chín: gây hại trên bẹ lá, gân lá, thân, bông và trên hạt. Khi chúng chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trổ sẽ làm cây lúa không trổ thoát, hạt lúa bị biến dạng, méo mó, lép lững nhiều, màu nâu đen lốm đốm hoặc thâm đen đều trên cả hạt. Do đó, cây lúa không chỉ bị giảm năng suất mà còn làm giảm tỷ lệ gạo thương phẩm, chất lượng gạo cũng giảm theo.

    Biện pháp phòng trị:

    • Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, không sạ dày.
    • Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện và ong nội kí sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié.
    • Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié thích hợp điều kiện khô.
    • Dùng thuốc có chứa hoạt chất của cây neem để diệt trừ như Altivi 0,3EC, Goldgun 0,3EC, Misec 1,0EC, Takare 2EC,…

    B. PHÒNG TRỪ BỆNH HẠI:

    I. BỆNH ĐẠO ÔN:

    Bệnh đạo ôn gây hại trên lá, cổ lá, cổ gié, nhánh của gié lúa và cả trên cuống hạt. Bệnh đạo ôn chủ yếu lây nhiễm qua không khí (gió), những đêm có sương mù dày hay mưa to cũng là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh lây lan nhanh.

    Trên lá, bệnh đạo ôn gây hại làm lá bị cháy khô, thiệt hại nặng hơn có thể làm chết cả bụi lúa. Vết bệnh đang phát triển là vết bệnh có dạng thấm nước hoặc vết bệnh đang sinh bào tử.

    Khi trên lá lúa có vết bệnh đang sinh bào tử và có giọt nước lăn qua vết bệnh xuống đọng lại ở cổ lá. Bào tử trong giọt nước xâm nhập vào cổ lá và tạo ra triệu chứng đạo ôn cổ lá. Điều kiện để triệu chứng đạo ôn cổ lá xuất hiện là giống lúa mẫn cảm với đạo ôn cổ lá, trên lá có vết bệnh đạo ôn và có mưa đêm nhẹ hoặc có sương mù dày về đêm.

    Khi lúa trổ bông, nấm bệnh đạo ôn tấn công vào cổ của gié lúa gây ra triệu chứng đạo ôn cổ gié (hay còn gọi là đạo ôn cổ bông). Nếu bệnh xuất hiện ngay sau khi trổ bông thì bông lúa có thể bị lép trắng cả gié lúa (triệu chứng bông bạc). Nếu bệnh xuất hiện vào lúc hạt lúa đã nặng hạt thì cả gié lúa gãy đổ xuống gọi là “lúa gãy cổ”.

    Biện pháp phòng trị:

    • Chọn giống kháng hoặc ít nhiễm với bệnh đạo ôn.
    • Dọn sạch tàn dư rơm rạ ở vụ trước và phát quang tất cả bụi rậm để tiêu diệt mầm bệnh ẩn trong cỏ dại.
    • Dùng các loại thuốc từ thảo mộc: Som 5SL, Stargolg 5SL, Genol 0,3SL, Piano 18ESW, Olicide 9SL, Tutola 2,0SL, Chubeca 1,8SL,…

    II. BỆNH ĐỐM VẰN

    Bệnh đốm vằn gây hại trên lá, bẹ lá và gié lúa. Bệnh đốm vằn phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, đặc biệt khi nhiệt độ từ 28 – 32oC . Khoảng cách giữa các bụi lúa càng ngắn thì ẩm độ của ruộng lúa càng cao, điều này có liên quan trực tiếp đến mật độ sạ lúa. Do đó, sạ càng dày thì bệnh phát triển càng nhanh và nặng.

    Trên bẹ lúa, lúc đầu vết bệnh có hình bầu dục đến trái xoan và có màu xanh xám. Sau đó, vết bệnh lớn dần thì có hình dạng không đồng đều, nhiều vết bệnh liền nhau sẽ có hình dạng giống hình da beo. Tâm vết bệnh có màu trắng xám, viền màu nâu. Vết bệnh có thể lan lên lá lúa và tạo thành vết bệnh trên lá. 

    Bệnh đốm vằn lây lan bởi hạch nấm, từ rơm rạ mắc bệnh và từ cỏ dại mang mầm bệnh ở ven bờ ruộng. Sau một vụ lúa có bệnh đốm vằn sẽ có nhiều hạch nấm rơi trên mặt đất và là nguồn lây bệnh cho vụ lúa sau. Cỏ dại mang mầm bệnh khi mọc dài ra sẽ tiếp xúc với lá lúa ở gần bờ, gây ra vết bệnh trên lá. Các lá lúa bị nhiễm bệnh sẽ lây bệnh cho các lá lúa mà nó tiếp xúc.

    Biện pháp phòng trị:

    • Làm đất kỹ để chôn vùi rơm rạ có bệnh và hạch nấm xuống sâu trong đất.
    • Sạ với mật độ vừa phải (12 kg hạt giống/1000 m2).
    • Thường xuyên diệt cỏ dọc theo bờ ruộng, kênh mương.
    • Sử dụng lưới ba lớp để chặn ngang đường nước giúp hạn chế việc tắc nghẽn nước do rác, đồng thời ngăn ngừa hạch nấm xâm lấn vào ruộng.
    • Dùng thuốc thảo mộc:Som 5SL, Stargolg 5SL, Genol 0,3SL, Chubeca 1,8SL,…

    III. BỆNH CHÁY BÌA LÁ

    Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường gây cháy khô dọc theo bìa lá. Vết bệnh lúc đầu có màu vàng hoặc xanh xám nhạt nằm ở rìa của phiến lá (gần chóp lá). Sau đó vết bệnh lan dần vào trong và từ chóp lá xuống dưới. Vết bệnh có thể ở cả 1 hay 2 bên rìa lá, hoặc bắt đầu từ một vết thương ở giữa lá rồi lan ra bìa lá.      

    Nguồn nước là điều kiện lây lan của mầm bệnh. Nước mưa sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn bám vào các lá lúa lân cận và lây cho các lá lúa khác. Người lội vào ruộng khi lá lúa ướt nước hoặc ướt sương sẽ làm lây lan bệnh theo đường lội trong ruộng do vi khuẩn bám dính trên quần áo rồi trây trên lá lúa theo lối đi. Ngoài ra, nước mưa còn làm vi khuẩn rơi xuống ruộng và lây lan xung quanh theo nguồn nước.

    Bệnh thường xuất hiện vào cuối giai đoạn đẻ nhánh của ruộng lúa, phát triển nhanh từ giai đoạn lúa trổ cho đến chín. Ruộng sạ dày cũng là môi trường để bệnh xuất hiện sớm.

    Biện pháp phòng trị:

    • Sử dụng hạt giống khỏe, ngâm ủ tốt.
    • Không sạ với mật độ dày.
    • Làm đất sớm và kỹ để bề mặt ruộng bằng phẳng, không bị đọng nước và tránh vụ lúa bị ngộ độc axit hữu cơ.
    • Dùng vôi để trị vi khuẩn cháy bìa lá lúa. Hòa tan 0,5 kg vôi sống (loại vôi sùi bọt và bốc khói khi tiếp xúc với nước) vào bình 16 lít. Có thể pha vôi dưới dạng nước cốt, sau đó hòa thêm nước cho đủ liều lượng phun. Khoảng cách giữa hai lần phun vôi là 10 ngày.
    • Nếu phát hiện bệnh cháy bìa lá lúa xuất hiện tại một chòm lúa trong ruộng, có thể phun vôi cho chòm lúa bị bệnh, rồi rải vôi bột lên lá lúa khắp chòm. Lặp lại động tác 10 ngày/lần, không để bệnh lây sang xung quanh.

    IV. BỆNH VÀNG LÙN

    Bệnh vàng lùn được thể hiện dưới ba triệu chứng cơ bản là (1) lá lúa ngả màu vàng, (2) bụi lúa bị lùn, (3) lá lúa hơi xòe ngang. Sau khi bị rầy nâu truyền bệnh, chồi lúa chưa thể hiện triệu chứng ngay mà phải có thời gian ủ bệnh trong chồi lúa. Chồi lúa phải ủ bệnh từ 11 – 21 ngày mới thể hiện triệu chứng của bệnh. Cây bị nhiễm bệnh càng sớm thì thời gian ủ bệnh càng ngắn và ngược lại. Nếu ruộng bị nhiễm bệnh muộn sau 35 ngày sau sạ, khi đó ruộng lúa có thể bị “vàng cao”. Trong trường hợp này, bụi lúa bị nhiễm bệnh bị nghẹn khi trổ hoặc trổ ra được nhưng bông lúa bị lép hoàn toàn hoặc lép một phần.

    Triệu chứng vàng lá: trên chồi lúa bệnh, lá bên dưới của chồi lúa bị vàng trước, rồi đến lá bên trên bị vàng và tiến dần lên lá đọt.

     

    Triệu chứng lùn: chồi lúa bị lùn hơn các chồi bên cạnh. Mức độ lùn tùy thuộc vào thời điểm bụi lúa bị rầy nâu truyền bệnh.

    • Thời điểm 5 – 10 ngày sau sạ: chồi bị lùn chiếm 39%.
    • Thời điểm 30 – 35 ngày sau sạ: chồi bị lùn chiếm 5%.
    • Thời điểm muộn hơn: chồi lúa mắc bệnh nhưng không bị lùn (còn gọi là bệnh vàng cao).

    Triệu chứng lá lúa hơi xòe ngang: lá lúa có dấu hiện hơi xòe ngang hơn so với lá lúa khỏe. Nếu bị truyền bệnh sớm, bụi lúa bị giảm số chồi so với bụi lúa khỏe.

    Biện pháp phòng trị:

    • Trường hợp có thể chủ động nước, có thể đưa nước vào ruộng ngập bẹ lá lúa, chỉ để lá ló khỏi mặt nước. Đây là biện pháp dùng nước che chắn không để rầy nâu di trú và truyền bệnh. Khi có đợt di cư của rầy nâu, nên cho nước vào ngập lúa vào chiều tối và tháo bớt nước ra vào sáng hôm sau để lá lúa thở. Liên tục thực hiện trong nhiều ngày cho đến khi hết đợt di cư của rầy nâu.
    • Áp dụng biện pháp gieo sạ đồng loạt và theo lịch né rầy.
    • Nhổ bỏ cây lúa bị bệnh.
    • Hiện nay không có thuốc nào trị được bệnh vàng lùn.
    • Nếu ruộng lúa bị bệnh vàng lùn với tỉ lệ chồi nhiễm bệnh từ 5 – 10% và nhiễm bệnh sớm thì tuy chồi lúa bệnh sẽ chết nhưng ruộng lúa không bị giảm năng suất (khả năng bù trừ của ruộng lúa). Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh càng muộn thì khả năng hồi phục của ruộng lúa càng kém, do đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất tùy vào tỉ lệ chồi bị bệnh.

    V. BỆNH LÙN XOẮN LÁ

    Bệnh lùn xoắn lá do rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng cơ bản sau đây:

    • Bụi lúa bệnh bị lùn: mức độ lùn tùy thuộc vào thời điểm rầy nâu truyền bệnh. Bụi lúa bị nhiễm bệnh càng sớm thì càng bị lùn nhiều. Rễ của bụi lúa vẫn bình thường.
    • Bụi lúa đâm nhiều chồi hơn bình thường.
    • Lá lúa xanh đậm hơn bình thường: ngay khi ruộng lúa được thu hoạch thì bụi lúa vẫn còn màu xanh.
    • Lá lúa bị xoắn ở đọt lá: mức độ xoắn tùy bụi lúa. Có lúc đọt lá chỉ hơi xoắn nhẹ, nhưng có lúc lại xoắn nhiều vòng như lò xo lá (A và B).
    • Lá lúa bệnh bị rách dọc theo rìa lá (C).
    • Gân lá sưng to hoặc có u nướu dọc gân lá (D và E).
    • Bụi lúa bệnh có chồi đâm ra từ đốt thân, bên trên mặt đất.
    • Bông lúa bị nghẹn lúc trổ và hạt lúa bị lép.

    Bệnh lùn xoắn lá gây thất thu nghiêm trọng khi phát triển thành dịch. Bụi lúa bệnh không chết mà choáng chỗ làm ruộng lúa bị giảm số bông, do đó bệnh ảnh hưởng đến năng suất tùy theo tỉ lệ bụi lúa bị bệnh. Ngoài ra, nguyên nhân bùng phát bệnh là khi có rầy nâu di trú với mật số cao.

    Biện pháp phòng trị:

    • Trường hợp có thể chủ động nước, có thể đưa nước vào ruộng ngập bẹ lá lúa, chỉ để lá ló khỏi mặt nước. Đây là biện pháp dùng nước che chắn không để rầy nâu di trú và truyền bệnh. Khi có đợt di cư của rầy nâu, nên cho nước vào ngập lúa vào chiều tối và tháo bớt nước ra vào sáng hôm sau để lá lúa thở. Liên tục thực hiện trong nhiều ngày cho đến khi hết đợt di cư của rầy nâu.
    • Áp dụng biện pháp gieo sạ đồng loạt và theo lịch né rầy.
    • Nhổ bỏ cây lúa bị bệnh.

    VI. BỆNH VÀNG LÁ CHÍN SỚM

    Bệnh gây hại trên lá lúa và bất kỳ lá nào trên bụi lúa. Vết bệnh ban đầu là những đốm màu vàng nhạt nhỏ, có hình tròn hoặc hình bầu dục. Đốm bệnh lan ra nhanh chóng và kéo sọc dài màu vàng hướng về chóp lá. Sọc vàng lan dần thành vệt màu vàng cam, chạy dài từ vết bệnh ban đầu đến chóp lá. Vết bệnh lan dần trên cả lá và làm phần lá bị nhiễm bệnh bị cháy khô.

    Bệnh phát triển mạnh trong vụ Đông Xuân (trời mát) hơn là vụ Hè Thu và Thu Đông. Trên ruộng, những chỗ có bóng râm là nơi bệnh xuất hiện nhiều. Vùng đất phèn dễ bị nhiễm bệnh hơn vùng đất phù sa ngọt.

    Bệnh vàng lá chín sớm sẽ làm giảm năng suất nếu xuất hiện ở giai đoạn sớm ngay trong giai đoạn đòng trổ (lá bị cháy khô cho đến lúc thu hoạch). Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện từ giai đoạn trổ trở về sau thì bệnh chỉ làm lá lúa bị vàng và không cháy khô, do đó sẽ không gây ảnh hưởng đến năng suất cây lúa.

    Biện pháp phòng trị:

    • Sử dụng giống lúa khỏe (giống xác nhận) để cây khỏe và chống chịu tốt với bệnh.
    • Không sạ lúa với mật độ dày.
    • Không bón thừa đạm cho cây lúa.
    • Sử dụng thuốc thảo mộc có thành phần hoạt chất Citrus Oil được chiết xuất từ vỏ cây của các loại cây có múi (cam, quýt, bưởi,…) như Map Green 6SL để kiểm soát bệnh.

    VII. BỆNH LEM LÉP HẠT

    Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lem lép hạt như do nấm, vi khuẩn, virus, động vật,… Ở vụ hè thu, nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lem lép hạt là do vi khuẩn gây ra.

    Hạt lúa có thể bị lép hoặc lửng, vỏ trấu của hạt bệnh có thể có màu xanh nhạt, sau chuyển sang vàng, hoặc có các vết đốm có màu (nâu, nâu sậm, tím, tím sậm, đen). Lép hạt và lửng hạt làm giảm năng suất của ruộng lúa. Lem hạt sẽ làm giảm phẩm chất của hạt lúa sau khi thu hoạch được.

    Biện pháp phòng trị:

    • Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng.
    • Loại bỏ các hạt lửng để giảm bớt thiệt hại do các mầm bệnh trên hạt. Có thể sử dụng nước muối 15% để loại các hạt lép và lửng ra khỏi lô hạt giống.
    • Sử dụng các loại thuốc thảo mộc như: Som 5SL, Stargolg 5SL, Lusatex 5SL, Chubeca 1,8SL,…

    KS. Võ Hy Thùy Ngọc

    (Sưu tầm và biên soạn)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU