• Thông tin hữu ích

    BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ CHUỘT HIỆU QUẢ TRÊN LÚA THEO HƯỚNG HỮU CƠ
    Thứ tư, 10:21 Ngày 13/02/2019

    Chuột gây hại trên ruộng lúa vào bất cứ giai đoạn nào của cây, trong đó nặng nhất vào giai đoạn đòng – trổ. Tập tính của chuột là thường hoạt động vào ban đêm, chúng ăn đòng non, hạt lúa hay cắn ngang cây lúa làm giảm năng suất cây. Để diệt chuột một cách hiệu quả nhất, nông dân cần tiến hành đồng loạt và áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khác nhau.

    Dưới đây là một số biện pháp bà con nông dân có thể áp dụng để phòng trừ chuột.

    Biện pháp thủ công:

    • Đào hang, đổ nước bắt chuột hoặc xông khói.
    • Đặt bẫy tại các bờ mương, bờ ruộng, đường đi (nơi nghi ngờ có nhiều chuột hoạt động). Có thể sử dụng các loại bẫy như bẫy lồng sập, bẫy kẹp, bẫy dính, bẫy bán nguyệt,…Xác chuột sau khi bắt phải được thu gom và đem đi tiêu hủy, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và hệ thống kênh mương. Nên đặt biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

    Biện pháp canh tác: vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom rơm rạ, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ở các ven bờ (kể cả khu đất hoang hóa gần đó, các gò đất cao) để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.

    Biện pháp sinh học: bảo vệ thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo,… Sử dụng thuốc diệt chuột có nguồn gốc sinh học. Đây là loại thuốc chỉ gây bệnh cho chuột nhưng không gây hại cho người và các động vật khác. Các loại bã thuốc này thường có chứa các loài vi khuẩn mà sau khi chuột ăn xong sẽ bị tiêu chảy và chết sau 3 – 10 ngày. Các con chuột khác trong đàn cũng sẽ bị bệnh và chết theo khi bị lây nhiễm nguồn bệnh. Nên mua loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng và sử dụng ngay sau khi mua về để hiệu quả cao hơn. Một số loại thuốc được khuyến cáo sử dụng: Biorat, BCS, KillRat 0,005%.

    KS. Võ Hy Thùy Ngọc

    (Sưu tầm và biên soạn)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU