• Thông tin hữu ích

    Ấn tượng nông dân Nhật Bản tạo dựng thương hiệu cho nông sản hành Umiko
    Chủ nhật, 14:11 Ngày 03/05/2020

    Với mỗi người nông dân Nhật Bản trong quá trình sản xuất, họ luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để sản phẩm mình làm ra luôn đảm bảo độ tươi, ngon và an toàn nhất đối với người tiêu dùng. Đây cũng là cách mà mỗi nông dân Nhật Bản góp sức để làm nên các thương hiệu nông sản Nhật.

    Chúng tôi đến thành phố San Bu - tỉnh Chi Ba tham quan vùng trồng hành Umiko - một thương hiệu hành được ưa chuộng trên thị trường Nhật, được sản xuất tại HTX nông nghiệp Nhật Bản.

    Ông Nagamine - 52 tuổi với kinh nghiệm 23 năm trồng hành ở thành phố San Bu, lúc cao điểm, mỗi ngày ông Nagamine bán được 350kg hành, tương đương khoảng 3000 cây hành. Ông Nagamine chia sẻ: Khoảng 70% công sức lao động của nông dân là dành cho giai đoạn sau thu hoạch. Bởi trồng và thu hoạch hành thì đã có máy móc nhưng công đoạn gọt lá, cắt rễ, đóng gói thì chủ yếu làm thủ công và nông dân Nhật rất công phu, tỷ mỷ, sơ chế hành đúng quy cách để người tiêu dùng yên tâm nhất.

    Ông Nagamine 52 tuổi, đã có 23 năm trồng hành ở thành phố San Bu tỉnh Chi Ba- Nhật Bản
    Ông Nagamine đã đồng hành với thương hiệu hành Umiko được 23 năm
    Công đoạn sơ chế, đóng gói  hành Umiko sau thu hoạch
    Công đoạn sơ chế, đóng gói hành Umiko sau thu hoạch

    Trên 300 hộ nông dân ở thành phố SanBu - tỉnh Chi Ba tham gia trồng hành với diện tích trên 150 ha. Sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 7.500 tấn. Toàn bộ quy trình trồng hành ở đây đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Gap. Trước khi thu hoạch, người nông dân sẽ có thông báo để những hộ sản xuất trong vùng cùng hợp tác, không sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo an toàn nhất cho nông sản trước khi bán ra thị trường. Như gia đình ông Nagamine, trước đó 1 tuần đã cắm lá cờ màu hồng trên ruộng hành để nông dân trong vùng nhận biết, không phun thuốc.

    Lá cờ màu hồng được cắm tại trang trại của gia đình ông Nagamine trước khi thu hoạch hành 1 tuần
    Lá cờ màu hồng được cắm tại trang trại của gia đình ông Nagamine trước khi thu hoạch hành 1 tuần

    Để cạnh tranh được với nông sản ở vùng khác và nông sản nhập khẩu từ nước ngoài, nông dân thành phố SanBu - tỉnh Chi Ba đã tìm ra một cách trồng hành mới. Đó là tưới bằng nước biển pha loãng. Từ đó, họ tạo ra thương hiệu hành Umiko được ưa chuộng trên thị trường Nhật hơn 10 năm nay.

    Nông dân trong vùng kể lại rằng: 13 năm về trước, nơi họ đang sinh sống đã xảy ra một trận bão lớn. Nước biển  dâng, ngập hết toàn bộ diện tích trồng hành. Khi ăn những cây hành bị ngập nước biển lại có vị ngọt, ngon và  mềm hơn hành trồng bình thường. Thế là  những người nông dân vùng này đã nghiên cứu và  tìm ra được cách trồng hành mới: Hành Umiko.

    Hành Umiko được thu hoạch bằng máy
    Hành Umiko được thu hoạch bằng máy

    Để phát triển được thương hiệu hành Umiko, với những người nông dân ở đây, cần có 3 yếu tố:  Chất lượng, độ tươi và cùng kích cỡ. Muốn làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của nông dân là sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo về kích cỡ còn phải có bàn tay của HTX nông nghiệp Nhật Bản - nơi đảm bảo “độ tươi” của hành. Sau đó, nông dân sẽ thu hoạch,  đóng gói và chở hàng đến gửi vào kho lạnh của HTX. Tại đây, với hệ thống làm lạnh chân không có thể đảm bảo được độ tươi nhất cho nông sản sau khi thu hoạch. Trung  bình 1 năm ở đây sẽ xuất đi 5 nghìn tấn hành, doanh thu bán hàng lên đến 1,7 tỷ Yên/năm.  HTX nông nghiệp Nhật Bản cũng sẽ giúp nông dân điều chỉnh thời gian xuất hàng tùy theo giá thị trường, tránh tình trạng rớt giá.

    Ông Tsuchiya Hironobu - Trung tâm xuất hàng HTX nông nghiệp Nhật Bản cho biết:  Nguyên tắc của  HTX nông nghiệp Nhật Bản là ngày mai xuất hàng, hôm nay nông dân  mới thu hoạch nhằm giữ độ tươi ngon của nông sản. Nhưng vào mùa cao điểm, khi nông dân vào vụ thu hoạch chính thì HTX NN Nhật Bản bảo quản hành cho nông dân với số lượng nhiều  hơn. Nếu được giá thì  HTX xuất hàng. Hoặc nếu hành chuẩn bị lên giá thì HTX sẽ giữ lại, chờ giá lên mới bán. Nông sản được  bảo quản ở môi trường này luôn đảm bảo về độ tươi, ngon”.

    Kho lạnh giúp đảm bảo được độ tươi nhất cho nông sản sau khi thu hoạch
    Kho lạnh giúp đảm bảo được độ tươi nhất cho nông sản sau khi thu hoạch

    Ở từng vùng, nông dân Nhật tập hợp lại với nhau thành các nhóm hộ gần giống mô hình HTX tại Việt Nam, trực thuộc Nông hội nhưng hoạt động độc lập kinh tế với Chính phủ. Qua HTX, nông dân được phổ biến về tiến bộ KHKT, được biết nhu cầu thị trường. Nhờ các HTX làm cầu nối nên tình trạng nông dân ồ ạt đua nhau trồng một loại cây khi có giá cao không xảy ra  như ở Việt Nam. Thay vào đó, nông dân Nhật Bản có sự đánh giá thị trường rất chắc chắn qua thông tin số liệu từ các tổ chức có uy tín trong nước, rồi họ tự phân công nhau lên kế hoạch nên trồng mặt hàng nào và trồng với số lượng bao nhiêu cho vừa đủ.

    Để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ Nhật Bản dành rất nhiều khoản vay ưu đãi để người dân xây dựng nhà lưới, nhà kính và hệ thống tưới tiêu tự động. Mùa đông hay mùa hè đều có hệ thống điều hòa điều tiết không khí, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp với từng loại cây trồng. Chính vì vậy, canh tác nông nghiệp tại Nhật gần như không sử dụng thuốc BVTV, nên họ ăn sống hoa quả ngay tại ruộng là chuyện bình thường.

    Nông dân tỉnh Saitama trồng rau cải trong nhà  lưới với hệ thống tưới tiêu tự động
    Nông dân tỉnh Saitama trồng rau cải trong nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động
    Đoàn PV từ Việt Nam tham quan mô hình trồng rau cải
    Đoàn PV từ Việt Nam tham quan mô hình trồng rau cải của nông dân tỉnh Saitama

    Nhằm tiết kiệm chi phí, các hộ nông dân tại Nhật thường đóng góp tiền xây dựng một cơ sở sơ chế biến, đóng gói nông sản, một kho lạnh và dùng chung nhau. Tất cả các sản phẩm trong HTX làm ra đều đăng ký dưới một mã số và thương hiệu. Nhờ đó, nông sản của Nhật luôn đứng vững trên thị trường và cạnh tranh được với nông sản nhập khẩu từ nước ngoài.       

    (Vân Anh)

     Nguồn: Truyền hình Nghệ An

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU