• TÁM KIẾN THỨC CHỦ ĐẠO - KIM CHỈ NAM CHO MỌI HÀNH ĐỘNG

    Biện pháp đa dạng sinh học và tạo thảm thực vật che phủ trong canh tác hữu cơ

    Tại sao nông nghiệp hữu cơ khuyến khích đa dạng sinh học và cần tạo ra các thảm thực vật để che phủ mặt đất? Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta nên bắt đầu từ những quan sát tực tế từ các khu rừng hay các khu vực đầm lầy trong tự nhiên chúng ta sẽ thấy trong các hệ sinh thái ấy luôn tồn tại cùng lúc nhiều loại động thực vật chung sống với nhau một cách tự nhiên mà không cần tới sự chăm sóc nào nhưng muôn loài vẫn sinh sôi nảy nở và tồn tại hàng ngàn năm như thế. Điều này chỉ có thể giải thích bằng nguyên lý của chuỗi thức ăn và lưới thức ăn. Theo đó, muôn loài trong một hệ sinh thái đều có mối tương quan qua lại với nhau. Theo đó, loài này vừa ăn hay là thức ăn của loài khác trong hệ sinh thái. Chính mối tương quan qua lại như vậy mà không có một loài nào được sinh ra qúa nhiều tới mức lấn át loài khác dẫn tới nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Ở chiều ngược lại, khi chúng ta trồng trọt canh tác, do đây là một một hệ sinh thái nhân tạo nghĩa là chỉ canh tác một hoặc một vài loại cây trồng, vật nuôi. Điều này đã bẻ gãy chuỗi và lưới thức ăn tự nhiên khiến cho cỏ dại và dịch hại có xu hướng phát triển thái quá làm vã vỡ thế cân bằng và gây thất bát mùa màng hoặc phải dùng qúa nhiều hóa chất công nghiệp để duy trì và bảo toàn hệ hệ sinh thái. Đa dạng sinh học trong canh tác hữu cơ sẽ phần nào giữ cho hệ sinh thái trở nên cân bằng và làm giảm bớt các bất cập về dịch hại và sự thiếu hụt dinh dưỡng.

    Xen canh

    Một trong những giải pháp được khuyến nghị áp dụng trong canh tác hữu cơ là trồng xen canh hoặc đa canh. Xen canh là một trong những biện pháp đa dạng sinh học áp dụng trong nông nghiệp, đặc biệt đối với các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ. Và đó cũng là một yêu cầu được các tiêu chuẩn hữu cơ khuyến cáo áp dụng.

    Tuy nhiên, không phải bất kỳ loại cây trồng nào cũng có thể trồng xen với nhau, mà phải đảm bảo sự phù hợp mới phát huy tối đa tác dụng bổ trợ của chúng. Bảng sau đây sẽ cho chúng ta những gợi ý hữu ích:

     Thảm thực vật che phủ

    Lạc dại nói riêng và các loại cây dùng làm thảm thực vật che phủ nói chung có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đất mặt chống sói mòn, giữ độ ẩm và hạn chế cỏ dại. Thông thường các loại cây thuộc họ đậu, cây dùng làm phân xanh hay các cây có khả năng đối kháng dịch hại trong nông nghiệp nếu dùng làm thảm thực vật sẽ mang lại nhiều lợi ích.  Lạc dại là một loài cây họ đậu được dùng phổ biến. Trồng cây lạc dại trong vườn có tác dụng làm phong phú, đa dạng sinh học có lợi. Bên cạnh đó còn làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng. Đây là một trong những tác nhân rất quan trọng, giúp tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả. Ứng dụng lạc dại và các loại cây họ đậu, cây đối kháng dịch hại trong nông nghiệp rất đa dạng và phong phú, đặc biệt đối với các vườn trồng các loài cây lâu năm như tiêu, cà phê, cây ăn quả...

    Danh mục các loại cây dùng làm thảm thực vật

    Lạc dại (Arachis pintoi)

    Thuộc họ phụ Papilionaceae

     Lạc dại dùng làm thảm thực vật che phủ

    Đặc điểm:

    Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm có nguồn gốc từ Mỹ La-tinh. Lạc dại có lá và hoa như lạc ăn; thân bò sát mặt đất; ra rễ ở các đốt trên thân; củ nhỏ, thường chỉ có 1 hạt to bằng hạt đậu tương; rễ cọc có thể hình thành từ các đốt và ăn sâu vào lòng đất giúp cho cây chịu hạn rất tốt.

    Hiện nay phổ biến là hai giống Amarillo và Ita-cambira.

    • Giống thứ nhất thường bò sát mặt đất, sinh khối không cao nhưng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và rất thích hợp cho các vườn cây ăn quả.
    • Giống thứ hai có thân bò song cành non thường mọc đứng nên có khả năng tạo sinh khối cao hơn. Tuy nhiên nó hay bị ban miêu ăn lá nên phải phòng trừ.

    Nhìn chung, lạc dại chống chịu tốt với sâu bệnh, chịu đất xấu, chịu được bóng râm, vì vậy có thể trồng xen ngô, lúa, cây ăn quả và các vườn lâu năm khác để cải tạo đất và làm thức ăn chăn nuôi.

    Công dụng:

    • Trồng làm thảm che phủ bảo vệ và cải tạo đất trong các vườn cây ăn quả, trên phủ gốc nhãn, nương ngô, lúa và làm thức ăn gia súc.
    • Ngoài ra lạc dại ra hoa quanh năm nên có thể sử dụng làm cây cảnh để trang trí các công viên, bãi cỏ quanh nhà, các bồn hoa trên phố hoặc các chậu cây lớn.
    • Trồng cây lạc dại làm phong phú, đa dạng sinh học có lợi. Làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng. Là tác nhân rất quan trọng, tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả.

    Cách trồng:

    Lạc dại có thể trồng bằng hạt, nhưng muốn sản xuất hạt thì phải trồng thưa trên đất có độ phì cao. Hơn nữa, lạc dại ra hoa quanh năm nên độ chín của củ rất không đồng đều. Vì vậy, độ nảy mầm cũng không đồng đều nếu không chọn lọc tốt. Do đó, phương pháp thuận tiện nhất là trồng bằng cành cắt. Trong trường hợp này, nên chọn và cắt những cành bánh tẻ thành những đoạn dài 20 – 25 cm sao cho mỗi đoạn có ít nhất 3 mắt; để ở nơi râm mát có tưới phun trong một hoặc hai ngày để lành vết cắt và cành giâm ra rễ mới, sau đó đem trồng ra ruộng, mật độ tùy ý. Nếu trồng dày thì sẽ nhanh kín đất, nếu trồng thưa thì sẽ chậm hơn. Mật độ trồng lạc dại tối ưu là 50 khóm/m2 (tức 1 kg cành cắt có thể trồng được 5 m2, trồng 2 - 3 cành/hốc).

    Khi trồng cần lấp đất kín hơn 2/3 cành cắt; dùng chân ấn chặt đất rồi tưới nước. Nhớ theo dõi dự báo thời tiết và chọn những ngày mưa để trồng thì không phải tưới nước. Chú ý giữ ẩm liên tục cho đến khi ra búp và cành non. Sau đó lạc sẽ tự phát triển và không cần chăm sóc nhiều.

    Tuy nhiên, muốn lạc phát triển nhanh thì nên làm cỏ và bón phân. Liều lượng phân bón không cần nhiều.

    Các ví dụ về cách ứng dụng:

    • Ngô trồng xen cây lạc dại ở Phiêng Liềng, Ngọc Phái, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Cắt lạc dại theo băng rộng 30 – 40 cm rồi chọc lỗ tra hạt ngô vào hai mép các băng đã cắt lạc dại. Sau 20 – 30 ngày lạc dại sẽ bò lan ra và phủ kín gốc ngô. Kết quả là năng suất ngô đã đạt 4 tấn/ha mà không phải làm cỏ, làm đất. Dưới tán ngô lạc dại vẫn phát triển tốt và cho sinh khối lớn. 
    • Các mô hình trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cây hồ tiêu đã làm cho đất tốt lên, giữ ẩm tốt trong mùa khô, đa dạng sinh học đất có biểu hiện tốt hơn so với đất vườn tiêu để trơ.
    • Trồng cây lạc dại nhiều năm trong vườn cà phê đã làm đất tốt lên, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh hại. Cây cà phê phát triển tốt, năng suất tăng hơn trước, đồng thời giảm được chi phí cho công làm cỏ cũng khá cao.
    • Trồng cây lạc dại trong một số vườn mận trên vùng sườn đồi tại huyện Mộc Châu có khả năng làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn và năng suất mận tăng 25% khi thảm lạc dại đã phát triển mạnh.

    Lạc dại là cây lưu niên nên không phải trồng lại. Vì vậy trồng lạc dại là một biện pháp đơn giản, giảm được nhiều công lao động. Trong khi đó, sản xuất sẽ mang tính bền vững cao. Lạc dại trồng bằng dây như dây lang, không tự phát tán nên không có nguy cơ phát triển quá tầm kiểm soát của con người.

    QNQ.vn

    Tổng hợp và biên soạn từ các nguồn

    Nguồn tham khảo:

    1. ThS. Hà Đình Tuấn, 2008. Một số loài cây che phủ đất đa dụng. NXB Nông nghiệp.
    2. Kỷ yếu hội thảo khoa học, 2017. Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh. NXB Nông nghiệp.

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU