• Thông tin hữu ích

    LỢI ÍCH CỦA KỸ THUẬT TƯỚI "NGẬP KHÔ XEN KẼ"
    Thứ năm, 09:10 Ngày 18/04/2019

    Việc tiết kiệm được nước tưới góp phần bảo vệ độ phì của đất, chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng. Ở những vùng canh tác sử dụng bằng nước trời, hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào hệ thống canh tác.

    Mặc dù trong quy trình thâm canh tổng hợp sản xuất lúa cao sản ở ĐBSCL đã được khuyến cáo rộng rãi từ năm 2000. Trong đó bao gồm cả biện pháp quản lý nước cho lúa cao sản có nhấn mạnh rút nước giữa vụ cho cây lúa giai đoạn 28 ngày sau khi sạ và 45 ngày sau sạ, sau hai lần bón thúc phân đạm đợt 2 và đợt 3 khoảng 5 - 7 ngày, sau đó cho ruộng ngập 5 - 7 cm trở lại bình thường, giúp hệ thống rễ thông thoáng, cây lúa phát triển tốt, góp phần gia tăng năng suất lúa. Tuy nhiên, cho đến nay biện pháp quản lý nước ở hầu hết ruộng của nông dân vẫn theo tập quán là canh tác lúa nước "ruộng được giữ nước ngập thường xuyên". 

    Trong số các kỹ thuật tưới nghiên cứu, kỹ thuật quản lý ngập khô luân phiên (để ruộng khô nứt chân chim rồi tưới ngập khoảng 5 - 7 cm rồi tiếp tục tưới để tiết kiệm nước). Phương pháp này đã được nghiên cứu nhiều năm ở Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và đã được thử nghiệm cũng như áp dụng rộng rãi trên ruộng nông dân ở Philippines và Trung Quốc. Thí nghiệm tưới nước AWD trên vùng đất lúa thấp, đất nặng có mạch nước ngầm nông (10-40 cm) ở Trung Quốc và Philippines. Theo Lampayan và ctv. (2005) báo cáo tổng lượng nước tưới vào ruộng (nước tưới và nước mưa) giảm khoảng 15-30% mà năng suất khác biệt không có ý nghĩa. Trong tất cả các trường hợp độ sâu mực nước ngầm nông và nước không còn hiện diện trên mặt ruộng, di chuyển xuống tầng rễ trong thời gian khô hạn, áp dụng tưới AWD hoàn toàn có hiệu quả giống như tưới theo ẩm độ. Các nghiên cứu và thực nghiệm này cho thấy kỹ thuật tưới ngập khô luân phiên đã giúp giảm được lượng nước tưới trong vụ Đông Xuân 1989-1990 và 2002-2003 từ 15-40%. Ngoài ra kỹ thuật tiết kiệm nước này còn kích thích hệ thống rễ cây phát triển tốt hơn giúp cây chống chịu áp lực nước tốt hơn, giúp cây ổn định hệ thống rễ vào đất tốt, vì vậy gia tăng tính kháng đổ ngã của lúa. 

    Tưới ngập-khô xen kẽ (Alternate Wetting and Drying Irrigation-AWD), nước được tưới ngập sau khi nước không còn trên mặt ruộng trong một vài ngày. Số ngày không có nước ngập trên mặt ruộng trước khi ngập lại có thể biến động từ 1 hoặc hơn 10 ngày. Đây là kỹ thuật tốt nhất, có hiệu quả cao được chấp nhận và mở rộng ở Trung Quốc (Li, 2004) và tỉnh An Giang của Việt Nam. Theo Lampayan và ctv. (2005) cho rằng khi so sánh hiệu quả kinh tế giữa hai phương pháp tưới AWD và tưới ngập thường xuyên. Ruộng tưới AWD cho năng suất tương đương ruộng để ngập nước liên tục, nhưng tiết kiệm được chi phí nước từ 16-24% và 20-25% chi phí sản xuất. Theo Cabangon và ctv. (2001) tính toán rằng mất nước do bốc hơi trên bề mặt ruộng giảm từ 2-33% so với nước ngập thường xuyên. Tưới bằng phương pháp AWD còn giúp cải thiện hệ thống rễ, giảm đỗ ngã, chu kỳ đất thông thoáng, kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại.

    Ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, trong chương trình hợp tác nghiên cứu với IRRI về quản lý nước từ 2006-2009. Nhóm nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL đã thực hiện các thí nghiệm về biện pháp quản lý tiết kiệm nước này trong vụ Hè Thu 2006 và Đông Xuân 2006-2007 trên đất lúa 2 vụ/năm và ba vụ lúa/năm tại Viện cho thấy tiết kiệm được số lần bơm nước, giảm được chi phí bơm nước đáng kể mà không ảnh đến sinh trưởng và năng suất lúa. Nghiên cứu gần đây của Huỳnh Quang Tín và ctv. (2015), thực hiện tưới ngập khô xen kẽ cho thấy rút nước khô từ -15 đến -25 cm (kết hợp với qui trình 1 Phải 5 Giảm, xiết nước tại 10, 20, 41, 51 NSS với mức nước cạn sâu là -15cm, tương ứng với thời gian trước bón phân, cuối đẻ nhánh và khoảng 80 NSS) cho hiệu quả cao nhất, giúp cho rễ lúa phát triển sâu đến 32,7 cm. Điều này, có thể minh chứng rễ lúa đã phải phát triển sâu xuống đất tìm nguồn nước, dinh dưỡng, giúp tăng khả năng chống đổ ngã trước và trong thu hoạch, cuối cùng là gia tăng năng suất lúa hơn 11% so với đối chứng.

    Phương pháp quản lý tiết kiệm nước của IRRI

    Theo IRRI, cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng tối đa là 5cm.

    • Tuần đầu tiên sau sạ

    Tuần đầu tiên giữ mực nước từ bão hòa đến cao khoảng 1 cm, mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1-3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến lúc bón phân lần 2 (khoảng 20-25 ngày sau sạ), giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển. Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này sẽ hạn chế được sự mọc mầm của các loài cỏ, bởi có nước làm môi trường thành yếm khí, hạt cỏ sẽ không mọc được và cũng cần sử dụng thuốc cỏ phù hợp ở giai đoạn này.

    • Giai đoạn từ 25-40 ngày

    Đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển ở giai đoạn này, nên chỉ cần nước vừa đủ. Lúc này giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm (đặt ống nhựa có đục lỗ lên hàng, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi). Khi nước xuống thấp hơn 15 cm thì bơm nước vào ruộng ngập tối đa 5 cm so với mặt đất ruộng. Khi nước hạ từ từ xuống dưới vạch 15 cm thì bơm nước vào tiếp. Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa. Đây cũng là giai đoạn cây lúa rất dễ bị bệnh khô vằn tấn công, mực nước không cao làm hạch nấm khô vằn sẽ không phát tán trong ruộng và bệnh ít lây lan.

    Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, vì vậy nên gọi phương pháp này là “tưới ướt khô xen kẽ”hay còn gọi là tưới ngập-khô xen kẽ. Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngả, vừa dễ thu hoạch.

    • Giai đoạn lúa 40 - 45 ngày

    Là giai đoạn bón phân lần 3 (bón đón đòng). Lúc này cần bơm nước vào khoảng 1-3 cm trước khi bón phân, nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và phân bị bốc hơi, nhất là phân đạm.

    • Giai đoạn lúa 60-70 ngày

    Đây là giai đoạn lúa trổ nên cần giữ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép lửng.

    • Cây lúa 70 ngày đến thu hoạch

    Là giai đoạn lúa ngậm sữa, vào chắc và chín nên chỉ cần giữ nước từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm (khi cần thiết thì bơm nước vào thêm). Xiết nước 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, dễ cho việc sử dụng máy gặt.

    Nguồn: Khoa học Cây trồng - Crop Science

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU