• Thông tin hữu ích

    Giúp nông dân trồng rau hữu cơ
    Thứ tư, 08:35 Ngày 17/04/2019

    (TBKTSG) - Nông dân ở Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre sau một thời gian tham gia các dự án trồng rau hữu cơ đến nay tỏ ra phấn khởi với kết quả khá lạc quan, bởi sản phẩm bán được với giá cao, lợi nhuận tốt. Đổi lại, người trồng rau phải tuân thủ một quy trình trồng nghiêm ngặt, sản phẩm đòi hỏi phải đạt chuẩn trước khi ra thị trường.

    Bà Mayu Ino hướng dẫn học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Thạnh Phú) kỹ thuật trồng rau hữu cơ.

    (Ảnh: Lư Thế Nhã)

    Tại xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, nhiều nông dân đang trồng rau hữu cơ đạt chuẩn PGS (Participatory Guarantee System - “Hệ thống đảm bảo cùng tham gia”, là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ). Tổ chức Seed to table đến từ Nhật Bản là đơn vị hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở đây trồng rau theo tiêu chuẩn này.

    Bà Hồ Thị Hồng, một nông dân trong nhóm trồng rau hữu cơ ở ấp An Phú, cho biết rau của nhóm đang được một công ty tại TPHCM bao tiêu với giá mua tại ruộng cao gấp 2-3 lần giá bán rau thường ngoài thị trường. Bà Hồng phấn khởi kể thêm, hiện với 500 mét vuông đất trồng rau hữu cơ của gia đình, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân hàng tháng cho huê lợi khoảng 6 triệu đồng.

    Rau hữu cơ ở ấp An Phú không những bán cho công ty bao tiêu sản phẩm nói trên mà còn được tiêu thụ trong các bữa ăn của các đoàn khách du lịch khi tham quan địa phương này.

    Quy trình nghiêm ngặt

    Tuy bán được sản phẩm với giá như kỳ vọng, nhưng những nông dân tham gia dự án này nhìn nhận để rau hữu cơ được công nhận đạt chuẩn PGS thật không phải dễ dàng. Người trồng rau phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt.

    Nông dân muốn trồng rau hữu cơ dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của tổ chức Seed to table, đầu tiên phải gửi mẫu đất và nước tưới để xét nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TPHCM). Nếu kết quả có kim loại vượt mức cho phép, nông dân không đủ điều kiện tham gia.

    Kế đến, theo các quy định được tổ chức Seed to table hướng dẫn, xung quanh khu vực trồng rau là hàng rào đệm được trồng cỏ nuôi bò và để ngăn các chất vô cơ của đất liền kề xâm nhập.

    Cách hàng rào đệm 1 mét còn phải dành ra một diện tích đất trồng nhiều loại hoa nở nhằm thu hút côn trùng để chúng không gây hại cho rau. Về hạt giống, nông dân được yêu cầu không sử dụng hạt giống biến đổi gen, và hạt trước khi gieo không được ngâm hóa chất.

    Các liếp rau được trồng song song với nhau, mỗi liếp đều có cọc ghi số để truy nguồn gốc khi người tiêu dùng gặp sự cố. Mỗi liếp trồng một loại rau khác nhau, như liếp cải nằm cạnh liếp rau mồng tơi, hẹ nằm giữa rau dền, cải ngọt... Theo các nông dân tham gia dự án, việc trồng các loại rau hẹ, mồng tơi là để xua đuổi các loại sâu, rầy, rệp..., bởi các loại rau này vốn gây mùi khó chịu với côn trùng, khiến chúng tránh xa.

    Trong quá trình chăm sóc rau hữu cơ, những nông dân này hoàn toàn không được sử dụng phân, thuốc hóa học. Từ phân bón đến thuốc phòng trừ côn trùng gây hại đều có nguồn gốc hữu cơ như phân bón cho rau là phân bò ủ cùng phân cá, rơm, cỏ và nấm trichoderma. Phân phải ủ trong thời gian ba tháng mới được sử dụng. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng kinh nghiệm dân gian như sử dụng dung dịch trứng gà hòa với sữa không đường để phun lên rau; trị ốc sên ăn rau bằng vỏ trứng bóp nhuyễn hoặc tro trấu rải lên liếp rau...

    Các nông dân ở đây cũng cho biết Tổ chức Seed to table kiểm tra định kỳ mỗi sáu tháng một lần, bên cạnh việc giám sát hàng tháng, hàng tuần.

    Nhân rộng mô hình

    Không chỉ hướng dẫn các nhóm trồng rau hữu cơ ở xã An Hòa Tây, mới đây Tổ chức Seed to table đã phát triển thêm hai nhóm trồng rau hữu cơ cũng ở huyện Ba Tri: nhóm Vinh Hoa ở xã Vĩnh Hòa gồm ba hộ canh tác trên diện tích đất 2.300 mét vuông, và nhóm Ba Mỹ ở xã Mỹ Chánh gồm năm hộ có 4.000 mét vuông đất canh tác. See to table còn dự kiến sẽ thành lập liên nhóm trồng rau hữu cơ ở huyện Mỏ Cày Nam.

    Ngoài ra, theo bà Mayu Ino, Trưởng đại diện Tổ chức Seed to table, trong năm nay tổ chức này cũng sẽ đầu tư xây nhà ủ phân và nhà sơ chế rau tại xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

    Bên cạnh việc hỗ trợ cho nông dân trồng rau hữu cơ, Seed to table cũng đang triển khai các chương trình hướng dẫn cho học sinh trồng rau hữu cơ ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre, như trường Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Mỏ Cày Nam), Lương Thế Vinh, Lê Hoài Đôn (huyện Thạnh Phú), Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc), Phan Liêm và Phan Tôn (huyện Ba Tri), Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Huệ (huyện Châu Thành)...

     

    Ông Mai Hoàng Nhi, Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh, nhận xét: “Dự án của Seed to table tài trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức, mà về nhà các em còn tác động gia đình trồng rau hữu cơ”.

    Theo bà Mayu Ino, thông qua việc giúp các trường làm vườn rau sạch sẽ giúp các em học sinh hiểu thế nào là rau sạch, rau hữu cơ, từ đó có thể các em sẽ góp ý với gia đình về mô hình này. “Xây dựng vườn rau hữu cơ không hề đơn giản, vì từ lâu bà con làm theo kinh nghiệm. Các anh ở xã nói hay tôi nói có khi nông dân không nghe, chứ con cưng đi học về nói thì họ sẽ nghe”, bà Mayu Ino nói.

    Tổ chức Seed to table của Nhật Bản bắt đầu triển khai dự án hỗ trợ trồng rau hữu cơ theo chuẩn PGS hữu cơ Việt Nam cho nông dân Bến Tre từ năm 2012 tại huyện Bình Đại, và sau đó ở huyện Ba Tri từ năm 2015. Người trồng rau được hỗ trợ lưới mùng làm nhà màn, dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau hữu cơ theo chuẩn PGS.

    Bà Mayu Ino cho biết, sau khi dự án kết thúc, nông dân các địa phương trong và ngoài tỉnh Bến Tre chọn trồng rau hữu cơ theo chuẩn PGS có thể liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre để được hướng dẫn kỹ thuật.

    Lư Thế Nhã (Báo Kinh tế Sài Gòn Online)

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU